13/12/2024 16:24

Biển hiệu che biển báo giao thông, người đi đường có được khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?

Biển hiệu che biển báo giao thông, người đi đường có được khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?

Một số tổ chức, cá nhân treo biển hiệu che khuất biển báo giao thông, khi người tham gia giao thông vi phạm do không nhìn thấy biển báo bị che khuất, che lấp thì có được khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông?

Quy định về việc treo biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 đề cập cụ thể nguyên tắc khi treo biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

- Về nội dung của biển hiệu phải có:

+ Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

+ Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Địa chỉ, điện thoại.

- Chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo 2012.

- Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

+ Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

+ Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, theo quy định thì đối với biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các nguyên tắc trên, trong đó có nguyên tắc không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Trường hợp khi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có treo biển hiệu làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng, lấn vĩa hè, lòng đường (kể cả che lấp biển báo giao thông) thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức (gấp 02 lần mức xử phạt đối với cá nhân).

Do đó, khi tiến hành hoạt động treo biển hiệu thì các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chú ý thực hiện.

Biển hiệu che biển báo giao thông người đi đường có được khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 yêu cầu người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Ngoài ra tại Điều 11 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 liệt kê những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính (những người dưới 14 tuổi có hành vi vi phạm hành chính).

Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 định nghĩa cụ thể khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, theo một số quy định trích dẫn trên vấn đề vi phạm hành chính do biển hiệu che khuất biển báo giao thông không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính (trường hợp này xác định vẫn có hành vi vi phạm), các chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của mình không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của anh mà người xâm phạm ở đây là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có biển hiệu che lấp tầm nhìn biển báo giao thông kia nên việc khiếu nại sẽ không có kết quả (tức xác định việc xử lý vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật). Trường hợp này chỉ có thể tiến hành khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc lắp đặt biển quảng cáo che lấp tầm nhìn.

Lê Anh Tú
31

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]