15/01/2024 16:06

Biển báo cấm là gì? Nhận diện và ý nghĩa của các loại biển báo cấm

Biển báo cấm là gì? Nhận diện và ý nghĩa của các loại biển báo cấm

Biển báo cấm có ý nghĩa gì? Tôi muốn tham khảo hình ảnh một số loại biển báo cấm hiện nay. Nhã Uyên – Quảng Ninh.

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Biển báo cấm là gì?

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về biển báo cấm, tuy nhiên, có thể hiểu, biển báo cấm là một loại biển báo giao thông được sử dụng để biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 về hệ thống báo hiệu đường bộ

Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về năm nhóm biển báo hiệu đường bộ gồm:

- Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

- Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

- Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

- Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

- Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

Như vậy, biển báo cấm là một loại biển báo giao thông, được sử dụng để biểu thị các hành vi bị cấm đối với người tham gia giao thông. Biển báo cấm là một trong 5 nhóm biển báo hiệu đường bộ, được dùng để biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông phải tuân thủ.

Theo đó, việc sử dụng biển báo cấm nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, thuận tiện cho người tham gia giao thông… Người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm mà biển đã báo.

2. Nhận diện và ý nghĩa của các loại biển báo cấm

Tại Điều 26 QCVN 41:2019/BGTVT quy định sơ lược về ý nghĩa sử dụng các biển báo cấm có mã P (cấm) và DP (hết cấm) với tên các biển như sau:

- Biển số P.101: Đường cấm;

- Biển số P.102: Cấm đi ngược chiều;

- Biển số P.103a: Cấm xe ô tô;

- Biển số P.103 (b,c): Cấm xe ô tô rẽ trái; Cấm xe ôtô rẽ phải;

- Biển số P.104: Cấm xe máy;

- Biển số P.105: Cấm xe ô tô và xe máy;

- Biển số P.106 (a,b): Cấm xe ô tô tải;

- Biển số P.106c: Cấm các xe chở hàng nguy hiểm;

- Biển số P.107: Cấm xe ô tô khách và xe ô tô tải;

- Biển số P.107a: Cấm xe ô tô khách;

- Biển số P.107b: Cấm xe ô tô taxi;

- Biển số P.108: Cấm xe kéo rơ-moóc;

- Biển số P.108a: Cấm xe sơ-mi rơ-moóc;

- Biển số P.109: Cấm máy kéo;

- Biển số P.110a: Cấm xe đạp;

- Biển số P.110b: Cấm xe đạp thồ;

- Biển số P.111a: Cấm xe gắn máy;

- Biển số P.111 (b) hoặc (c): Cấm xe ba bánh loại có động cơ (xe lam, xích lô máy);

- Biển số P.111d: Cấm xe ba bánh loại không có động cơ (xích lô);

- Biển số P.112: Cấm người đi bộ;

- Biển số P.113: Cấm xe người kéo, đẩy;

- Biển số P.114: Cấm xe súc vật kéo;

- Biển số P.115: Hạn chế trọng tải toàn bộ xe cho phép;

- Biển số P.116: Hạn chế tải trọng trục xe (trục đơn);

- Biển số P.117: Hạn chế chiều cao;

- Biển số P.118: Hạn chế chiều ngang xe;

- Biển số P.119: Hạn chế chiều dài xe;

- Biển số P.120: Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ moóc;

- Biển số P.121: Cự ly tối thiểu giữa hai xe;

- Biển số P.123 (a,b): Cấm rẽ trái; Cấm rẽ phải;

- Biển số P.124 (a,b): Cấm quay đầu xe; Cấm ô tô quay đầu xe;

- Biển số P.124 (c,d): Cấm rẽ trái và quay đầu xe; Cấm rẽ phải và quay đầu xe;

- Biển số P.124(e,f): Cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe; Cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe;

- Biển số P.125: Cấm vượt;

- Biển số P.126: Cấm xe ô tô tải vượt;

- Biển số P.127: Tốc độ tối đa cho phép;

- Biển số P.127a: Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm;

- Biển số P.127b: Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường;

- Biển số P.127c: Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường;

- Biển số DP.127: Biển hết tốc độ tối đa cho phép trên biển ghép;

- Biển số P.128: Cấm sử dụng còi;

- Biển số P.129: Kiểm tra;

- Biển số P.130: Cấm dừng xe và đỗ xe;

- Biển số P.131 (a,b,c): Cấm đỗ xe;

- Biển số P.132: Nhường đường cho xe cơ giới đi ngược chiều qua đường hẹp;

- Biển số DP.133: Hết cấm vượt;

- Biển số DP.134: Hết tốc độ tối đa cho phép;

- Biển số DP.135: Hết tất cả các lệnh cấm;

- Biển số P.136: Cấm đi thẳng;

- Biển số P.137: Cấm rẽ trái, rẽ phải;

- Biển số P.138: Cấm đi thẳng, rẽ trái;

- Biển số P.139: Cấm đi thẳng, rẽ phải;

- Biển số P.140: Cấm xe công nông và các loại xe tương tự.

Nhận diện các biển báo cấm thông qua hình ảnh minh họa sau:

 

Ngoài ra, khi cần thiết cấm theo thời gian người có trách nhiệm đặt các hệ thống  biển báo đường bộ thuộc phạm vi quản lý, phải đặt biển phụ số S.508 dưới biển cấm, có thể viết thêm chú thích bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh trong biển này (nếu khu vực đó có nhiều người nước ngoài tham gia giao thông hoặc tuyến đường đối ngoại) để báo hiệu biển báo cấm theo thời gian.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
8276

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]