19/01/2024 17:39

Biển báo cấm đi thẳng: Ý nghĩa và cách nhận diện

Biển báo cấm đi thẳng: Ý nghĩa và cách nhận diện

Biển báo cấm đi thẳng có ý nghĩa, tác dụng gì? Nếu không chấp hành biển báo thì bị xử phạt như thế nào? Kim Tuyến – Vũng Tàu.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Biển báo cấm đi thẳng: Ý nghĩa và cách nhận diện

Tại khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định năm nhóm biển báo hiệu đường bộ, bao gồm:

- Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

- Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

- Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

- Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

- Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

Theo đó, biển báo cấm đi thẳng nằm trong nhóm biển báo cấm, gồm 03 biển báo cấm đi thẳng có ý nghĩa, tác dụng và cách nhận diện theo QCVN 41:2019/BGTVT như sau:

-  Biển số P.136 "Cấm đi thẳng"

Đường ở phía trước cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo qui định) đi thẳng, đặt biển số P.136 "Cấm đi thẳng". Biển được đặt ở vị trí ngay trước nút giao của đường cấm đi thẳng. Nếu có quy định cấm về thời gian và loại xe thì sử dụng biển báo phụ thời gian hoặc hình vẽ loại xe cấm.

 

Hình B.36 - Biển số P.136

- B.38 Biển số P.138 "Cấm đi thẳng, rẽ trái"

Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ trái, đặt biển số P.138 "Cấm đi thẳng, rẽ trái"; biển đặt ở vị trí ngay trước nút giao. Nếu có quy định cấm về thời gian hoặc loại xe thì sử dụng biển báo phụ thời gian hoặc hình vẽ loại xe cấm.

 

Hình B.38 - Biển số P.138

- B.39 Biển số P.139 "Cấm đi thẳng, rẽ phải"

Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ phải, đặt biển số P.139 "Cấm đi thẳng, rẽ phải"; biển đặt ở vị trí ngay trước nút giao. Nếu có quy định cấm về thời gian hoặc loại xe thì sử dụng biển báo phụ thời gian hoặc hình vẽ loại xe cấm.

 

Hình B.39 - Biển số P.139

Như vậy, biển báo cấm đi thẳng có ý nghĩa báo hiệu cấm các phương tiện tham gia giao thông đi thẳng tại nút giao đường bộ. Có 3 loại biển báo cấm đi thẳng phổ biến, bao gồm biển cấm đi thẳng, cấm đi thẳng, rẽ trái và cấm đi thẳng, rẽ phải (tương ứng P.136, P.138 và P.139). Người tham gia giao thông cần nắm rõ ý nghĩa và tuân thủ các biển báo này để đảm bảo an toàn.

2. Mức xử phạt ô tô, xe máy không chấp hành hiệu lệnh biển báo

Theo quy định tại Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:

- Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

- Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

- Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Theo đó, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nếu không tuân thủ biển báo ở mức sau:

- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 3.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe khoảng 2 tháng – 4 tháng.

- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe khoảng 2 tháng – 4 tháng.

(Căn cứ Điều 5, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Như vậy, người điều khiển phương tiện không chấp hành biển báo cấm đi thẳng, ô tô và xe máy có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể, xử phạt ô tô từ 3.000 - 400.000 đồng, xe máy từ 100.000 - 200.000 đồng.

Trường hợp gây tai nạn giao thông còn bị tước bằng lái xe 02-04 tháng. Do đó, các phương tiện cần tuân thủ nghiêm chỉnh biển báo để đảm bảo an toàn giao thông.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
3788

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]