Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người lao động (NLĐ là công dân Việt Nam và NLĐ là người nước ngoài), người sử dụng lao động. Trong đó, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc gồm:
- NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Nếu NLĐ là người nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
+ NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
+ NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động 2012.
Theo đó, nếu thuộc các đối tượng trên NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong thời gian làm việc nếu NSDLĐ không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ thì khi xảy ra tai nạn lao động NSDLĐ có trách nhiệm về bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 39 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 của Việt Nam:
"Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động
“1. …
Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động."
Ngoài ra, theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì NSDLĐ còn phải có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
“2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;”
Như vây, nếu NLĐ bị tai nạn trong khi đang làm việc đồng thời không đóng bảo hiểm thì NSDLĐ sẽ có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí y tế, tiền lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động ngoài ra người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định pháp luật.