09/11/2023 17:10

Bị tai nạn giao thông khi đi công tác, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Bị tai nạn giao thông khi đi công tác, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Tuần trước tôi đi công tác tại Hà Nội, trong quá trình đi công tác tôi bị tai nạn giao thông, vậy công ty tôi đang làm có trách nhiệm gì không?

Chào anh, Ban tư vấn xin giải đáp như sau:

1. Hoạt động công tác là gì?

Hoạt động công tác (hay còn gọi là công việc, nhiệm vụ công tác) là những hoạt động và nhiệm vụ mà một cá nhân hoặc một tổ chức cần thực hiện để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ, hoặc kế hoạch của họ. Các hoạt động công tác có thể bao gồm một loạt các công việc, trách nhiệm, và nhiệm vụ mà người lao động hoặc tổ chức phải thực hiện để thực hiện công việc một cách hiệu quả và đóng góp vào mục tiêu tổng thể của công ty.

Doanh nghiệp thường cử một số người lao động để đi công tác, nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch cho doanh nghiệp. Việc đi công tác là một phần của công việc mà người lao động cần thực hiện, vì vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong suốt quá trình hoạt động công tác của người lao động.

2. Bị tai nạn giao thông khi đi công tác, doanh nghiệp có trách nhiệm gì không?

+ Trường hợp không do lỗi của người lao động

Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.

...

Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 

Bên cạnh đó người lao động còn có thể yêu cầu người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông, bồi thường cho mình theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 do tính mạng, sức khỏe bị ảnh hưởng, bởi hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

Như vậy trong trường hợp người lao động đi công tác, bị tai nạn giao thông mà là do lỗi của người khác hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì doanh nghiệp phải bồi thường một khoản tiền cho người lao động căn cứ trên mức suy giảm khả năng lao động mà người lao động bị thiệt hại. Bên cạnh đó người lao động còn có thể yêu cầu bồi thường đối với người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông.

+ Trường hợp do lỗi của người lao động

Khi người lao động đi công tác thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp giao phó, mà bị tai nạn giao thông do chính lỗi của người lao động, thì đương nhiên doanh nghiệp không có trách nhiệm trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, nếu người bị thiệt hại có yêu cầu, người lao động có thể phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho người bị thiệt hai trong vụ tai nạn giao thông theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.

Như vậy, để xác định doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường, khi người lao động bị tai nạn trong thời gian đi công tác hay không, cần xác định yếu tố lỗi tại thời điểm sảy ra tai nạn lao động. Nếu người lao động không có lỗi thì doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường, ngược lại nếu người lao động có lỗi thì doanh nghiệp không có trách nhiệm bồi thường.

Nguyễn Ngọc Diện
1072

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]