28/08/2024 16:50

Bị phạt tù chung thân bao nhiêu năm mới được giảm án?

Bị phạt tù chung thân bao nhiêu năm mới được giảm án?

Người bị kết án tù chung thân là đồng nghĩa với việc người đó sẽ bị giam giữ trong tù cho đến khi mất đi, vậy thì họ phải đi tù bao nhiêu năm thì mới được giảm án?

1. Bị phạt tù chung thân bao nhiêu năm mới được giảm án?

Tại Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Do đó, nếu một người bị kết án tù chung thân là đồng nghĩa với việc người đó sẽ bị giam giữ trong tù cho đến khi mất đi.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng có quy định rằng người bị kết án tù chung thân vẫn có thể được xem xét giảm mức hình phạt đã tuyên. 

Theo đó, người bị phạt tù chung thân sẽ có thể giảm thời hạn chấp hành hình phạt nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự 2015 như sau:  

- Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định 

- Có nhiều tiến bộ 

- Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 12 năm đối với tù chung thân.

Theo đó, người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

Trong trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Bộ luật hình sự 2015.

Như vậy, nếu một người bị kết án tù chung thân đã đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật, đồng thời đã chấp hành hình phạt được ít nhất là 12 năm thì có thể được giảm án xuống thành 30 năm tù trong lần xét giảm đầu tiên.

Và tùy vào từng trường hợp mà thời hạn tối thiểu để người bị phạt tù chung thân được xem xét giảm án là 12, 15 hoặc cao nhất là 25 năm. 

2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi nào?

Căn cứ tại Điều 62 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây

(1) Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

(2) Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sau khi bị kết án đã lập công;

- Mắc bệnh hiểm nghèo;

- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

(3) Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

(4) Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

(5) Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

(6) Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Lưu ý: Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định trên vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
13

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn