14/12/2020 15:33

Bí mật nhà nước và quy định về xét xử kín

Bí mật nhà nước và quy định về xét xử kín

TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Chung và đồng phạm bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, theo hình thức xét xử kín quy định tại Điều 25 BLTTHS 2015.

Quy định về xét xử kín

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Điều 25 BLTTHS năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Như vậy có 4 trường hợp có thể xét xử kín, đó là (1) những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, (2) giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, (3) bảo vệ người dưới 18 tuổi và (4) giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

Nếu vụ án thuộc một trong các trường hợp được xét xử kín, đương sự có quyền gửi đơn đến Tòa án xét xử vụ án đó để yêu cầu xử kín. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ xem xét, quyết định và khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ ghi rõ hình thức xét xử là công khai hoặc xử kín.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.

Trước đó, tại BLTTHS năm 2003, nội dung này được quy định tại Điều 18 “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.

So với BLTTHS năm 1988, thì BLTTHS năm 2003 đã bổ sung thêm trường hợp được xét xử kín là “giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”, đến BLTTHS năm 2015, tiếp tục bổ sung thêm trường hợp “bảo vệ người dưới 18 tuổi”.

Theo quy định tại BLTTHS năm 2015, cũng có những vấn đề cần làm rõ, đó là khái niệm “thuần phong mỹ tục” và “bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” vẫn chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất.

Qua những thay đổi của luật, chúng ta thấy quyền con người ngày càng được bảo đảm trong tố tụng hình sự và nhất quán nguyên tắc, xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Do đó những vụ án như xâm hại tình dục, loạn luân… đặc biệt là những vụ án có nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên thường được xét xử kín để tránh gây áp lực tâm lý và ảnh hưởng xấu đến tương lai lâu dài của nạn nhân, cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc; những vụ án liên quan đến bí mật nhà nước cũng cần tránh làm lộ tình tiết của vụ án, nên khi tuyên án công khai, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án, không đọc nội dung vụ án cũng như nhận định của Hội đồng xét xử. Điều này được nêu rõ tại Điều 327  BLTTHS năm 2015 đã quy định: “Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”.

Điều 327 BLTTHS 2015 quy định cụ thể "Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo."

Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo. Như vậy, quy định về tuyên án công khai nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai là giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, để tăng cường tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Cần giữ bí mật nhà nước

Trong vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung và đồng phạm, căn cứ để xét xử kín là “cần giữ bí mật nhà nước” bởi lẽ các bị cáo bị truy tố theo Điều 337 BLHS 2015 về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.  

Điều luật quy định tại khoản 1 “Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Khoản 2, mức án cao nhất đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

Khoản 3, có thể bị phạt tù đến 15 năm: Có tổ chức; Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Như vậy, một trong các căn cứ để xác định hình phạt là mức độ bí mật của tài liệu, từ mật, tối mật đến tuyệt mật.

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước. Mất bí mật nhà nước là trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không còn thuộc sự quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm:

-Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

-Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.

-Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.

-Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật  nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên  máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

-Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

-Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

-Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

-Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Theo Điều 7, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quy định cụ thể về: Thông tin về chính trị, Thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; Thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp; Thông tin về đối ngoại; Thông tin về kinh tế; Thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Trong đó, về phạm vi bí mật, khoản 3 Điều 7 quy định: Thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp bao gồm: (a) Hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; (b) Thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự.

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, bao gồm:

Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế,  tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nguyễn Đức Chung bị truy tố theo khoản 3 Điều 337 BLHS

Trở lại vụ án Nguyễn Đức Chung, báo chí đã phản ánh cho biết bốn bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký-Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký-Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội).

Các bị cáo bị VKSNDTC truy tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 337 BLHS năm 2015. Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị truy tố theo khoản 3, Điều 337 BLHS.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.

Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã năm lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung hai lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”. Đối với hai bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, cáo trạng xác định, hai bị cáo đã một lần tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “Mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1925

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]