25/02/2020 13:38

Bị bố mẹ từ mặt, có được hưởng quyền thừa kế?

Bị bố mẹ từ mặt, có được hưởng quyền thừa kế?

“Từ mặt” hay “từ con” có thể hiểu là việc cha mẹ muốn chấm dứt quan hệ với con của mình. Ngày nay, hành vi này đã diễn ra phổ biến hơn khi những bậc phụ huynh nhận thấy rằng đứa con của họ không còn “ngoan ngoãn”, “không nghe lời”, hay “bất hiếu” với họ. Vậy, khi những người con này đã bị bố mẹ từ mặt thì có được hưởng quyền thừa kế nữa không?

“Từ mặt”, “từ con” chỉ là xung đột trong gia đình còn dưới góc độ pháp lý, hành vi này chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, dù có thông báo với họ hàng, làng xóm về việc đã từ con thì cũng không thể chấm dứt mối quan hệ cha mẹ với con, cũng như không thể chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Trừ trường hợp có Quyết định hoặc Bản án của Tòa án có thẩm quyền về việc xác định cha mẹ cho con, xác định con cho cha, mẹ.

Do đó, việc “từ con” không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của người con đã bị bố mẹ mình từ mặt, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào di chúc của bố mẹ.

+ Nếu không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp, lúc này di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Người con sẽ được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất, cụ thể như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

+ Nếu có di chúc và di chúc hợp pháp, thì việc phân chia tài sản thừa kế sẽ theo di chúc, tuân theo ý chí của người để lại di chúc. Trong trường hợp này, nếu bố mẹ không để lại tài sản cho con thì người con bị “từ mặt” này không có quyền được hưởng thừa kế, cụ thể quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản

Như vậy, việc “từ con” chưa được pháp luật công nhận, do đó khi muốn đứa con không được nhận phần di sản thừa kế của mình thì cha, mẹ nên lập di chúc phân chia di sản. Tuy nhiên, cần chú ý đến tính hợp pháp của di chúc và việc người con này phải không thuộc trường hợp “người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc”, cụ thể: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Thu Linh
3749

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]