17/08/2020 14:14

Bị bác đơn vì chọn sai đối tượng và yêu cầu để khởi kiện

Bị bác đơn vì chọn sai đối tượng và yêu cầu để khởi kiện

Từ trước đến nay việc khởi kiện chưa bao giờ là đơn giản, từ việc viết đơn, nộp đơn sao cho tòa thụ lý cho đến khi vụ việc sẽ được đem ra xét xử đó là cả một quá trình với những khó khăn lớn cho người dân, nhất là những người có hiểu biết hạn chế về pháp luật. Nhưng có một sự thật là dù cho đến khi vụ việc được đem ra xét xử thì cũng không có nghĩa là yêu cầu của nguyên đơn sẽ được giải quyết mà rất có thể sẽ bị tòa án bác đơn vì những lỗi sai trong nội dung đơn khởi kiện.

Cụ thể tại Bản án 11/2019/DS-ST ngày 30/09/2019 về yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền có nội dung như sau:

“Ngày 17/9/2011 tại Văn phòng công chứng H, công chứng viên Q đã lập hợp đồng ủy quyền số 3050/2011/HĐUQ giữa ông T, bà C ủy quyền cho bà X để thay mặt ông, bà thực hiện các công việc như: Nhận và quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gốc số: B8…., được UBND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cấp; trông nom, quản lý, sử dụng diện tích đất nói trên; đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp đổi mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được ghi cụ thể trong giấy chứng nhận.

Ngày 05/5/2015, UBND huyện T, tp Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2198/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8….. Lý do thu hồi: Thực hiện Thông báo số 235/TB-UBND ngày 15/4/2015 của UBND T về kết quả giải quyết đơn của công dân.

Sau khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, gia đình ông T, bà C đã nhiều lần thông báo cho bà X về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhưng bà X không có ý kiến trả lời yêu cầu trên.

Sau đó, nguyên đơn đã khởi kiện văn phòng công chứng H về việc yêu cầu tuyên bố hủy bỏ hợp đồng ủy quyền do đối tượng ủy quyền không còn và bên ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền do không có nhu cầu ủy quyền”

Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai, Thành Phố Hà Nội đưa ra quan điểm như sau: “Giữa Nguyên đơn và văn phòng công chứng H không có quan hệ ủy quyền mà chỉ là quan hệ giữa bên yêu cầu dịch vụ công chứng và bên công chứng”. Vì lý do trên, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phòng công chứng H.

Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch, hợp đồng thì vào thời điểm giao kết hợp đồng ủy quyền Luật công chứng năm 2006 đang có hiệu lực nên sẽ áp dụng quy định của luật này để giải quyết.

Luật Công chứng 2006 quy định:

Điều 44 công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch

1. Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.

….

3. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương IV của Luật này.”

Từ những quy định của pháp luật nêu trên và qua phân tích nội dung vụ án ta thấy được nguyên đơn đã phạm vào hai sai lầm lớn khi làm đơn khởi kiện đó là xác định sai đối tượng cần khởi kiện và sai yêu cầu cần khởi kiện.

- Đầu tiên về xác định đối tượng để khởi kiện thì trong mối quan hệ ủy quyền này nguyên đơn và bà X (người được ủy quyền) mới là những chủ thể tham gia vào giao dịch ủy quyền, cả hai bên có những quyền lợi, nghĩa vụ ràng buộc với nhau về mặt pháp lý còn phòng công chứng H chỉ đóng vai trò là tổ chức thực hiện dịch vụ công chứng hợp đồng mà không trực tiếp tham gia vào quan hệ, giao dịch ủy quyền nên việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng đối với phòng công chứng H là không hợp lý vì các bên không có ràng buộc về quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng ủy quyền.

- Thứ hai, nguyên đơn đưa ra “sai” yêu cầu khởi kiện đối với đối tượng mà mình khởi kiện. Nhìn nhận lại vấn đề ở đây, trong trường hợp trên nếu nguyên đơn thực sự muốn khởi kiện văn phòng công chứng H thì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phải là “yêu cầu tuyên bố văn bản vô hiệu” thay vì yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền, như vậy quan quan hệ tranh chấp ở đây mới được xác định là đúng đối tượng, đúng yêu cầu cần khởi kiện.

Như vậy, yêu cầu “hủy hợp đồng ủy quyền do đối tượng ủy quyền không còn” là chưa phù hợp với quy định pháp luật, vì theo quy định Điều 44 Luật Công chứng 2006 việc hủy hợp đồng công chứng phải thực hiện theo thủ tục công chứng. Nên trong trường hợp nguyên đơn muốn khởi kiện bà X trong một vụ án khác với lý do trên thì khả năng rất lớn là nguyên đơn vẫn sẽ bị tòa án bác đơn.

Qua bản án trên ta thấy được việc khởi kiện sao cho đúng yêu cầu, đúng người, đúng đối tượng là không hề đơn giản, vì những nhầm lẫn, sai sót nhỏ trong yêu cầu khởi kiện cũng có thể khiến cho cả đơn khởi kiện bị bác bỏ do yêu cầu khởi kiện không đúng với giao dịch, quan hệ giữa các bên đang xảy ra tranh chấp.

Đình Thiên

Đình Thiên
5695

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn