28/09/2024 16:02

Bệnh viêm gan C là gì? Triệu chứng và nguyên tắc điều trị bệnh Viêm gan C?

Bệnh viêm gan C là gì? Triệu chứng và nguyên tắc điều trị bệnh Viêm gan C?

Bộ Y tế vừa có Quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

1. Bệnh viêm gan C là gì? 

Theo Mục 1 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C ban hành kèm Quyết định 2855/QĐ-BYT 2024 về đại cương Bệnh viêm gan vi rút C như sau:

Bệnh viêm gan vi rút C là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan C (Hepatis C Virus: HCV) gây ra. HCV có cấu trúc di truyền là sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV có 6 kiểu gen: 1, 2, 3, 4, 5, 6. Mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều dưới nhóm khác nhau. Ở Việt Nam, kiểu gen thường gặp nhất là 1 và 6. Các kiểu gen 2 và 3 ít gặp hơn. HCV chủ yếu lây qua đường máu, ngoài ra còn lây qua đường tình dục, mẹ truyền sang con.

Thuốc kháng vi-rút tác dụng trực tiếp (DAA) có thể chữa khỏi hơn 95% số người bị nhiễm viêm gan C, nhưng khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị còn thấp. Hiện chưa có vắc-xin hiệu quả chống lại vi rút viêm gan C.

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 50 triệu người bị viêm gan vi rút C mạn, với khoảng 1 triệu trường hợp nhiễm mới xảy ra mỗi năm. Năm 2022, ước tính có khoảng 242.000 người tử vong vì viêm gan C, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).

Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 4 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm san C mạn tính theo giám sát huyết thanh học năm 2018 là 1%; tỷ lệ này cao hơn nhiều ở người sống chung với HIV và tiêm chích ma túy, năm 2021, theo ước tính gánh nặng bệnh tật của Tổ chức Y tế Thế giới; Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nước ta có hơn 900.000 người bị nhiễm HCV mạn trong đó có gần 5.000 người tử vong do bệnh gan liên quan đến HCV.

Như vậy, Bệnh viêm gan vi rút C là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan C (Hepatis C Virus: HCV) gây ra. HCV có cấu trúc di truyền là sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV chủ yếu lây qua đường máu, ngoài ra còn lây qua đường tình dục, mẹ truyền sang con.

2. Triệu chứng của bệnh viêm gan C là gì?

Theo tiểu mục 2.1 Mục 2 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C ban hành kèm Quyết định 2855/QĐ-BYT 2024 về triệu chứng của bệnh Viêm gan C như sau:

(1) Lâm sàng

- Phần lớn người nhiễm HCV không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan hoặc ung thư gan. Đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ,...

- Có thể có các biểu hiện ngoài gan như: đau khớp, viêm khớp, viêm da, tóc dễ gãy rụng, cryoglobulinemia (globulin bất thường trong máu), đau cơ, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng,...

(2) Cận lâm sàng

- Kháng thể kháng HCV (anti-HCV)

+ Anti-HCV là xét nghiệm ban đầu để phát hiện tình trạng nhiễm HCV.

+ Anti-HCV xuất hiện trong máu của người nhiễm HCV sau 8 - 12 tuần kể từ khi phơi nhiễm. Kháng thể anti-HCV tồn tại suốt đời. Vì vậy một người có anti-HCV dương tính có thể đang nhiễm vi rút viêm gan C hoặc đã từng nhiễm vi rút viêm gan C nhưng đã tự khỏi hoặc đã khỏi bệnh do được điều trị.

- Kháng nguyên của HCV (HCVcAg, HCV RNA)

+ HCV RNA định tính dương tính hoặc định lượng HCV RNA trên ngưỡng phát hiện: khẳng định nhiễm HCV.

+ HCV core antigen - kháng nguyên lõi của HCV: xuất hiện trong máu của người bệnh sau 2 tuần nhiễm HCV. Trong trường hợp không làm được HCV RNA, HCVcAg (HCV core Antigen) dương tính được coi là tiêu chuẩn xác định hiện nhiễm HCV.

- Các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh

+ Xơ hóa gan: tình trạng xơ hoá gan được đánh giá bằng các phương pháp không xâm lấn như chỉ điểm sinh hóa (APR1, FIB-4, FibroTest ...) hay siêu âm đàn hồi (FibroScan, ARFI...). (Phụ lục 1).

+ Xét nghiệm sinh hóa gan như ALT, AST có thể bình thường hoặc tăng; số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin, INR, albumin, bilirubin bình thường hoặc bất thường phụ thuộc vào tình trạng nặng của viêm gan hoặc xơ gan.

+ Trường hợp có biến chứng ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma: HCC): AFP, AFP-L3, PIVKA-II có thể tăng; siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng bụng có hình ảnh khối u gan.

3. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm gan C

Theo tiểu mục 3.2 Mục 3 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C ban hành kèm Quyết định 2855/QĐ-BYT 2024 về nguyên tắc điều trị của bệnh viêm gan C như sau:

- Người bệnh được chẩn đoán viêm gan vi rút C cần điều trị sớm, đặc biệt trong các trường hợp sau: người bệnh có xơ hóa gan ≥ F2, người bệnh viêm gan vi rút C có biểu hiện ngoài gan, người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV, người bệnh đồng nhiễm HBV/HCV, người bệnh nghiện chích ma túy, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ mong muốn có thai,...

- Lựa chọn phác đồ có các thuốc DAA, ưu tiên các phác đồ có hiệu quả với tất cả các kiểu gen để người bệnh được điều trị sớm và điều trị trong ngày.

- Dựa vào tình trạng xơ gan, các chống chỉ định, tương tác thuốc và bệnh đi kèm để lựa chọn các phác đồ (Bảng 1 cho người bệnh không xơ gan hoặc xơ gan còn bù; Bảng 2 cho người bệnh xơ gan mất bù).

- Các phác đồ sử dụng thuốc DAA thế hệ mới, chưa đề cập trong hướng dẫn này, có thể được xem xét, bổ sung dựa theo các hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội Gan mật Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ và theo các quy định liên quan đến về phê duyệt và cấp phép sử dụng thuốc tại Việt Nam.

- Các trường hợp xơ gan mất bù cần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương.

Nguyễn Ngọc Trầm
163

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn