27/08/2024 15:23

Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox): Triệu chứng nghi ngờ và biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn Bộ Y tế

Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox): Triệu chứng nghi ngờ và biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn Bộ Y tế

Trong vài tháng gần đây, Việt Nam ghi nhận cả nước có nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có những trường hợp dẫn đến tử vong. Trước tình hình hiện tại Bộ Y tế đã ban hành Công văn hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ (Mpox)

1. Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) là gì?

Tại Mục 1 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Mpox (Đậu mùa khỉ) ở người (ban hành kèm Quyết định 465/QĐ-BYT năm 2024) có nêu:

Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút đậu mùa khỉ gây ra (Monkeypox vi rút, là một vi rút DNA sợi đôi, thuộc chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae).

Bệnh này có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với tổn thương da, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Ngoài ra bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong, đặc biệt trên nhóm người bị suy giảm miễn dịch nặng. Bệnh có vắc xin phòng bệnh.

2. Triệu chứng nghi ngờ và biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Để chủ động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4849/BYT-DP nhằm hướng dẫn và khuyến cáo người dân nhận biết các triệu chứng nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

* Các triệu chứng nghi ngờ:

- Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).

- Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (>38,5°C), Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, Mệt mỏi.

- Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

* Các biện pháp phòng bệnh

(1) Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

(2) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

(3) Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

(4) Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

(5) Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

(6) Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

3. Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế

Tại Mục 3 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Mpox (Đậu mùa khỉ) ở người (ban hành kèm Quyết định 465/QĐ-BYT năm 2024), Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ như sau:

* Nguyên tắc điều trị

- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/xác định;

- Điều trị triệu chứng là chủ yếu;

- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;

- Điều trị bệnh lý nền;

- Theo dõi, phát hiện và xử trí các biến chứng của bệnh.

* Điều trị cụ thể

- Các biện pháp điều trị chung:

+ Cách ly, quản lý điều trị theo quy định bệnh truyền nhiễm nhóm B được hướng dẫn tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

+ Cá thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.

+ Thực hiện cách ly, phân tuyến điều trị, phát hiện và xử trí các trường hợp biến chứng.

+ Tư vấn quan hệ tình dục an toàn cho người bệnh, dự phòng lây nhiễm qua bề mặt/giọt bắn cho người chăm sóc và người hỗ trợ.

- Thể nhẹ:

Điều trị triệu chứng như:

+ Hạ sốt, giảm đau.

+ Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.

+ Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.

+ Cần theo dõi, phát hiện và xử lý sớm các biến chứng.

+ Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

- Thể nặng:

+ Điều trị ở buồng cách ly tại phòng bệnh hồi sức cấp cứu, điều trị biến chứng (nếu có) theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

+ Điều trị, quản lý bệnh đồng mắc, bệnh nền theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
251

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn