Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2020 quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, trong đó có “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của Doanh nghiệp bảo hiểm”. Kế thừa quy định này, tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nêu rõ bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.”
Như vậy, việc kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm là nghĩa vụ bắt buộc của người mua khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Thông tin về tình trạng bệnh lý của người mua bảo hiểm sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm quyết định ký kết hợp đồng bảo hiểm nên trên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ đề cập đến nội dung này. Do đó, người mua cần phải kê khai đầy đủ, trung thực, chi tiết về tình trạng bệnh lý, sức khỏe của mình.
Nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì sẽ chịu trách nhiệm và hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (trước đây quy định tại Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2020) như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm sau khi trừ các chi phí hợp lý theo thỏa thuận.
- Nếu có thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm phải bồi thường.
Thông tin về tình trạng bệnh lý, sức khỏe của người mua bảo hiểm sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm quyết định ký kết hợp đồng bảo hiểm và tính phí bảo hiểm. Việc người mua bảo hiểm không trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ dẫn đến tranh chấp pháp lý khi người mua yêu cầu quyền lợi bảo hiểm. Dưới đây, là nội dung một vụ án liên quan đến trường họp này:
Tại Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 47/2018/DS-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử có nội dung:
“Ngày 17/6/2014 và ngày 24/7/2014, ông B đã tham gia các gói bảo hiểm An Phát Trọn Đời và An Phát Hưng Gia, người được bảo hiểm là ông B, giá trị bảo hiểm cho từng yêu cầu bảo hiểm là 1.500.000.000 đồng (mức phí 30 triệu đồng/năm trong 15 năm, người thụ hưởng là bà T), 2.500.000.000 đồng (mức phí 48 triệu đồng/năm trong 15 năm, người thụ hưởng là chị Anh T) và 1.500.000.000 đồng (mức phí 50 triệu đồng/năm trong 20 năm, người thụ hưởng là cụ M).
Theo các Giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 17/6/2014, ngày 24/7/2014 thể hiện tại các mục hỏi và trả lời về tình trạng sức khỏe cá nhân, ông B đều tích “x” vào toàn bộ ô trả lời “không”, trong đó có câu hỏi số 17/A/II “Khối u (lành tính hoặc ác tính), ung thư...”, câu hỏi số 27/C/II “Trong một năm vừa qua bạn có đi khám bệnh và/hoặc làm xét nghiệm gì không? Có phải nghỉ học hoặc nghỉ làm nhiều ngày để đi khám chữa bệnh không?” và câu hỏi số 30/C/II Bạn có đang mắc hoặc đang điều trị bệnh lý nào không? Sau khi xác lập giấy yêu cầu bảo hiểm, ngày 21/6/2014, Tổng Công ty V đã cho ông B kiểm tra sức khỏe tại Bệnh Viện Đa khoa tư nhân Bình Dương. Theo Kết quả Kết luận kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương ngày 21/6/2014, ông B là người cung cấp các thông tin kiểm tra sức khỏe, trong đó có nội dung câu hỏi: (Đã từng phải nằm viện điều trị chưa? Khi nào? Lý do? Đợt nằm viện dài nhất là bao lâu? Điều trị nội khoa hay ngoại khoa? ông B tích “x” vào ô trả lời “Không” và kết quả này ông B đã cam kết thông tin đã cung cấp cho cơ sở y tế của Tổng Công ty V là hoàn toàn đầy đủ, đúng sự thật và các thông tin này được coi là thông tin bổ sung cho giấy yêu cầu bảo hiểm liên quan và đã ký tên.
Ngày 11/3/2015, ông B vào Bệnh viện đa khoa V: với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi; K tụy di căn gan, thận giai đoạn cuối, chuyển cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Cùng ngày, ông B cấp cứu và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh B với tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, viêm phổi, K tụy di căn gan thận giai đoạn cuối. Ngày 12/3/2015, ông B chết. Nguyên nhân chết được xác định trong Giấy chứng tử của Ủy ban nhân dân xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương: Chết do bệnh.
Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh xác định ông B bị ung thư biểu mô di căn nhiều nơi không rõ nguyên nhân phát, dạng ung thư biểu mô có độc ác cao, tình trạng của bệnh nhân khi phát hiện thuộc giai đoạn cuối.
Ngày 12/3/2015 ông B chết, những người thụ hưởng bà T, cụ M và chị Anh T yêu cầu công ty trả tiền bảo hiểm.”
Trong nội dung vụ án này, ông B (bên mua bảo hiểm) biết mình mắc bệnh hiểm nghèo và đã điều trị ung thư nhưng khi giao kết hợp đồng bảo hiểm lại không cung cấp thông tin này. Doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa người mua bảo hiểm đi khám sức khỏe nhưng không phát hiện ra bệnh hiểm nghèo nên đã chấp nhận bảo hiểm và thu phí bảo hiểm dựa trên thông tin người mua bảo hiểm cung cấp.
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Để đưa quyết định, hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã xác định có phải ông B đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm hay không?
Theo các Giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 17/6/2014, ngày 24/7/2014; theo Kết quả Kết luận kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương ngày 21/6/2014; theo Công văn số 2624/BVUB-KHTH ngày 28/12/2016, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh xác định ông B bị ung thư biểu mô di căn nhiều nơi không rõ nguyên nhân phát, dạng ung thư biểu mô có độc ác cao, tình trạng của bệnh nhân khi phát hiện thuộc giai đoạn cuối. Tòa án xác định bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý khi ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2020, Điều 573 Bộ luật Dân sự năm 2005 Tòa án xác định doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm là phù hợp với quy định pháp luật.