27/02/2019 13:56

Bể hụi, chủ hụi bỏ trốn - giải quyết tranh chấp ra sao?

Bể hụi, chủ hụi bỏ trốn - giải quyết tranh chấp ra sao?

Chơi hụi - một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, là sự liên kết giữa các thành viên tham gia mang tính tin tưởng nhau là chính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, loại hình này đã bị biến tướng trở thành một hình thức tín dụng đen, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình là Bản án 49/2018/DS-ST ngày 09/10/2018 về tranh chấp hợp đồng góp hụi:  

Do quen biết nên bà Nguyễn Thị Mỹ L có tham gia 05 dây hụi do chị Bùi Thị T làm chủ. Chị T làm chủ hụi không lập danh sách hụi viên của từng dây hụi, nên không giao danh sách hụi viên cho bà cũng như các hụi viên khác, hai bên tự ghi sổ theo dõi, khi Công an tỉnh T điều tra vụ án hình sự chị T cũng thừa nhận còn nợ bà tổng cộng tiền hụi gốc là 38.535.000 đồng. Đến kỳ hụi tháng 3/2017 âm lịch chị T bị vỡ hụi và bỏ trốn, khoảng hơn 01 tháng sau chị T trở về nhà thì bị Công an tỉnh T bắt tạm giam và bị khởi tố xử lý hình sự.

Về quan hệ tranh chấp: Chị T và bà L đều thừa nhận có giao dịch về hợp đồng góp hụi với nhau. Sau khi bị vỡ hụi, chị T không trả lại tiền góp hụi cho bà L là vi phạm về nghĩa vụ thanh toán nên bà L khởi kiện. Do đó, xác định đây là quan hệ tranh chấp về hợp đồng góp hụi được quy định tại Điều 479 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Chơi hụi (tên khác: họ, hội, biêu, phường, huê) gọi chung là họ, là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam và thường do phụ nữ thực hiện. Đây là hình thức trái ngược với trả góp. Trước đây, việc chơi hụi chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ quyền lợi nhưng kể từ năm 2006 đã có Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường.

Đồng thời, chơi hụi là một hoạt động được quy định cụ thể tại Điều 479 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

Điều 479. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. Chơi hụi là hình thức góp vốn xoay vòng mang tính tương trợ lẫn nhau, người tham gia có thể tiếp cận vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chính vì dễ tham gia nên chủ hụi đã lợi dụng lòng tin của một bộ phận người dân tổ chức nhiều dây 'hụi ma' với mục đích lừa đảo, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phá sản.

Theo Điều 31 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường quy định giải quyết tranh chấp như sau:

“Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.

Theo quy định trên, nếu hiện tại vỡ hụi mà chủ hụi không chịu trả số tiền trên thì trước tiên các bên có thể thương lượng, hòa giải lại với nhau, nếu không thương lượng hòa giải không thành thì 1 hoặc nhiều người tham gia họ có thể khởi kiện đến Tòa án để giải quyết tranh chấp trên, tuy nhiên kèm theo đơn khởi kiện cần phải cung cấp các chứng cứ liên quan đến sự tồn tại của hụi.

Ngoài ra, trong trường hợp chủ hụi có hành vi chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan Công an để giải quyết. Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 …

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Căn cứ theo quy định trên nếu như chủ hụi mà có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không còn khả năng chi trả thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản người khác. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, các bên nên có sự thương lượng hòa giải để giải quyết, nếu không được thì yêu cầu đến Tòa án để giải quyết theo quan hệ dân sự. 

Do đó, chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Kim Huệ
12237

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]