20/04/2024 18:22

Bắt trẻ em đi ăn xin bị xử phạt như thế nào?

Bắt trẻ em đi ăn xin bị xử phạt như thế nào?

Hiện nay tôi thấy có nhiều trẻ em bị cha mẹ bắt đi ăn xin, không biết những trường hợp Bắt trẻ em đi ăn xin như thế bị xử phạt thế nào? “Anh H - Long An”.

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Một số quyền cơ bản của trẻ em

Căn cứ theo điều 12,26,27 Luật trẻ em 2016, pháp luật bảo vệ các quyền của trẻ em như sau:

- Quyền sống

Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Hành vi bắt trẻ em đi xin ăn của các đối tượng xấu vừa vi phạm quyền sống, quyền bạo lực, và bóc lột trẻ em. Do đó, những hành vi trên là vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý.

2. Bắt trẻ em đi ăn xin bị xử phạt như thế nào?

Hành vi bắt trẻ em đi ăn xin được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

+ Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Bên cạnh đó, đối tượng có hành vi bắt trẻ em đi ăn xin còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn;

- Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn.

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn trên là mức phạt đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm. (căn cứ khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

Do đó, cá nhân ép buộc trẻ em đi ăn xin có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

Trên thực tế, những trường hợp các đối tượng xấu bắt trẻ em đi ăn xin, có trường hợp còn sử dụng vũ lực, đánh đập trẻ em. Hành vi có thể vi phạm quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015 về tội hành hạ người khác như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015.

- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

Vậy, đối với trường hợp đối tượng chăn dắt không phải người thân, cha mẹ của trẻ em có hành vi bắt trẻ em đi ăn xin có thể bị phạt đến 15 triệu đồng và có thể đối diện với mức án tù lên đến 3 năm nếu có hành vi hành hạ trẻ em.

Trong trường hợp, cha mẹ hay người thân ép buộc con mình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, cha mẹ sẽ bị hạn chế quyền nuôi con theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nếu:

+ Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

+ Phá tán tài sản của con;

+ Có lối sống đồi trụy;

+ Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Trân trọng!

Nguyễn Minh Khôi
193

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn