08/04/2024 19:51

Bắt nạt trên mạng (Cyberbully) là gì? Trẻ em bị bắt nạt trên Tiktok được bảo vệ như thế nào?

Bắt nạt trên mạng (Cyberbully) là gì? Trẻ em bị bắt nạt trên Tiktok được bảo vệ như thế nào?

Dạo gần đây tôi nghe nói việc bắt nạt trên mạng khá phổ biến, nhưng tôi không biết bắt nạt trên mạng là như thế nào? Nếu trẻ em sử dụng Tiktok bị bắt nạt trên mạng thì được bảo vệ như thế nào? (Phương Thu - Bình Định)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bắt nạt trên mạng (Cyberbully) là gì? 

Bắt nạt trên mạng hay còn gọi là Cyberbully, là hành vi sử dụng công nghệ thông tin và công cụ kỹ thuật số để cố ý làm tổn thương hoặc làm nhục một người khác và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nó xảy ra trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, trò chơi trực tuyến và các trang web khác.

Một số hình thức phổ biến của bắt nạt trên mạng bao gồm:

- Gửi tin nhắn xúc phạm hoặc đe dọa.

- Đăng tải những hình ảnh hoặc video xấu hổ hoặc nhục mạ.

- Lấy cắp danh tính của người khác và sử dụng nó để làm hại họ.

- Giả danh ai đó và lấy danh nghĩa của họ gửi những tin nhắn ác ý cho người khác hoặc thông qua tài khoản giả mạo.

- Phát tán tin đồn hoặc thông tin sai lệch về người khác.

Bắt nạt trực tiếp hay bắt nạt trên mạng đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, danh dự, học tập, công việc, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bị bắt nạt. Ngoài ra, bắt nạt trên mạng có thể lan rộng nhanh chóng và tiếp tục gây hại cho nạn nhân trong thời gian dài.

2. Trẻ em bị bắt nạt trên Tiktok được bảo vệ như thế nào?

Tại Điều 29 Luật an ninh mạng 2018 có quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:

- Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

- Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

- Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, Điều khoản và Chính sách của Tiktok cũng quy định về An toàn và sức khỏe cho trẻ vị thành niên tại mục Nguyên tắc Cộng đồng, gồm những ý như sau:

- Tiktok cam kết bảo đảm mang đến trải nghiệm an toàn và tích cực cho người dưới 18 tuổi.

- Người dùng phải 13 tuổi trở lên mới được sở hữu tài khoản. Khi phát hiện một chủ tài khoản Tiktok chưa đủ độ tuổi tối thiểu thì tài khoản đó sẽ bị cấm.

- Người dùng khác trên Tiktok có thể báo cáo những người mà họ cho là chưa đủ độ tuổi tối thiểu, bằng cách báo cáo trong ứng dụng hoặc trực tuyến.

- Không cho phép nội dung có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị bóc lột hoặc tổn hại về tâm lý, thể chất hoặc sự phát triển. Nếu phát hiện hành vi bóc lột trẻ vị thành niên trên nền tảng, tài khoản đó sẽ bị cấm cũng như mội tài khoản khác thuộc về người đó.

- Thực hiện một số biện pháp, bao gồm:

+ Giới hạn quyền truy cập vào một số tính năng sản phẩm nhất định.

+ Xây dựng cấp độ nội dung để sắp xếp nội dung theo mức độ thoải mái của chủ đề

+ Sử dụng cài đặt quyền riêng tư mặc định để hạn chế

+ Quy định rằng nội dung do người dùng dưới 16 tuổi tạo ra sẽ không đủ điều kiện xuất hiện trên trang Dành cho Bạn (FYF)

- Người dùng phải đủ 16 tuổi trở lên để sử dụng tin nhắn trực tiếp và đủ 18 tuổi trở lên để phát Live, gửi quà tặng cho nhà sáng tạo trong phiên LIVE hoặc sử dụng các tính năng kiếm tiền.

Ngoài ra, Tiktok cũng biên soạn Hướng dẫn cho Người giám hộ về đảm bảo an toàn trên không gian số, dành cho người chăm sóc để họ giúp thanh thiếu niên trong nhà mình tìm hiểu về an toàn không gian mạng, nhằm quản lý sự xuất hiện trên mạng của các em.

Như vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ được pháp luật quy định, mà ngay cả những nền tảng trực tuyến như Tiktok cũng đều có những điều khoản, chính sách để bảo vệ trẻ em khi sử dụng nền tảng của mình.

Mọi hành vi bắt nạt trẻ em trên mạng đều có thể được xem là hành vị xâm phạm quyền nhân thân, cụ thể là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, bao gồm:

- Tội xúi gục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 131 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏa của người khác (Điều 138 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

- Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1301

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]