01/08/2022 14:22

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng dân sự

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng dân sự

Bộ luật Dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã quy định các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (VADS), trong đó có các tranh chấp về hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật vấn đề này hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, cần có cách hiểu đầy đủ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

1. Cơ sở lý luận và quy định pháp luật

1.1. Khái niệm về thời hiệu

Trong đời sống dân sự, một trong những vấn đề phát sinh chủ yếu nhất giữa các bên là các giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong đó, việc xác lập hợp đồng giữa các chủ thể diễn ra một cách thường xuyên. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Ở một khía cạnh nhất định, đối với các hợp đồng dân sự, không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện một cách hoàn hảo mà đôi khi các bên không thống nhất được việc chấm dứt và giải quyết các hậu quả pháp lý có liên quan. Khi mâu thuẫn xảy ra, các bên không tìm kiếm được sự đồng thuận thì vấn đề phát sinh tranh chấp sẽ xảy ra và thông thường việc khởi kiện được các bên lựa chọn. Hợp đồng về bản chất dựa vào ý chí tự nguyện, thỏa thuận của các bên, các bên được tự do thỏa thuận quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của các giao lưu dân sự, pháp luật có sự giới hạn việc thực hiện quyền của các bên trong một thời hạn nhất định, khi hết thời hạn đó sẽ phát sinh những hậu quả tương ứng, một trong số đó là thời hiệu.

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Liên quan đến thời hiệu khởi kiện, khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện.

1.2. Quy định pháp luật về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu.

Theo quy định, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Đồng thời, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.5 Căn cứ vào quy định này, Tòa án không mặc nhiên áp dụng thời hiệu đối với hợp đồng dân sự giữa các bên mà chỉ xem xét khi có một bên hoặc các bên yêu cầu và yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Đồng thời, để bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán không giải thích cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu.

Quy định về thời hiệu đối với tranh chấp hợp đồng dân sự

Trước đây, theo quy định tại Điều 427 BLDS năm 2005, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm. Tuy nhiên, hiện nay được kéo dài hơn, theo đó, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Cần lưu ý, đối với các hợp đồng được phát sinh trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015, thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS năm 2015.

Các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Theo quy định của BLDS năm 2015, thời hiệu khởi kiện VADS được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đồng thời, pháp luật cũng quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện VADS gồm (i) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện phạm vi thời hiệu; (ii) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; (iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế theo quy định.

Việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện VADS trong 03 trường hợp sau đây: (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau. Thời hiệu khởi kiện VADS bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên.

2. Thực trạng áp dụng pháp luật về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Để đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng dân sự cần phân tích, làm rõ qua vụ án sau đây:

Vụ án: Tranh chấp hợp đồng tiền vay giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị D với bị đơn bà Trần Thị U. Tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn bà D trình bày: Theo tờ biên nhận nợ ngày 15/10/2016, bà D có cho bà U vay số tiền 200.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, thời hạn vay là 18 tháng. Từ ngày 15/11/2016 đến ngày 15/02/2017, bà U có trả lãi cho bà D được 04 lần với số tiền 12.000.000 đồng. Sau thời gian đó cho đến nay bà U không đóng lãi và trả lại vốn cho bà D như thỏa thuận nên phát sinh tranh chấp. Quá trình cho vay, bà D đã nhiều lần đến gặp bà U để yêu cầu trả nợ, nhưng không có lập văn bản. Ngày 20/8/2021, bà D khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà U trả số tiền 200.000.000 đồng tiền gốc và 150.000.000 đồng tiền lãi (lãi tạm tính từ ngày bà U vi phạm nghĩa vụ là ngày 16/3/2017 đến 20/8/2021) và lãi phát sinh đến thời điểm xét xử theo mức lãi suất quy định của pháp luật.

Theo biên bản ghi lời khai ngày 10/5/2022 của Tòa án (trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc), bị đơn U trình bày: Thừa nhận có vay nợ như bà D trình bày. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, bị đơn không có khả năng trả lãi nên yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết vụ án nêu trên.

Đối với vụ án nêu trên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của BLDS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Do đó, đối với yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, đối với khoản tiền lãi thì áp dụng thời hiệu khởi kiện.8

Vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc giải quyết phần lãi suất

Thứ nhất, đối với khoản tiền lãi suất có thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Vấn đề này có các quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, vụ án nêu trên không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Bởi lẽ, mặc dù ngày 10/5/2022 bị đơn đã thừa nhận nghĩa vụ đối với nguyên đơn, tuy nhiên, sự thừa nhận này của bị đơn ở trong giai đoạn Tòa án đang giải quyết vụ án, tức là sau khi nguyên đơn khởi kiện VADS, nghĩa là thời hiệu khởi kiện chỉ được bắt đầu lại nếu bị đơn thừa nhận nghĩa vụ trước ngày 20/8/2021 (ngày nguyên đơn khởi kiện VADS).

Quan điểm thứ hai cho rằng, vụ án nêu trên thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Lý do là pháp luật không quy định cụ thể sự thừa nhận nghĩa vụ của bị đơn trước hay sau khi nguyên đơn khởi kiện VADS. Do đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, cần thiết áp dụng việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với phần lãi suất.

Quan điểm của tác giả, đối với khoản tiền lãi cần bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Một trong những nguyên tắc để giải quyết vụ án là đảm bảo sự công bằng giữa các đương sự. Điều này đồng nghĩa với việc, Tòa án phải hài hòa lợi ích của các bên trong trường hợp pháp luật được hiểu theo những cách khác nhau. Trong trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, pháp luật chỉ dừng lại ở việc liệt kê các trường hợp tương ứng, trong đó có việc bị đơn thừa nhận nghĩa vụ thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại. Vấn đề đặt ra là sự thừa nhận của bị đơn được thể hiện trước hay sau khi khởi kiện hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn. Theo quan điểm thứ nhất, thì sự thừa nhận phải diễn ra trước khi nguyên đơn khởi kiện, cách hiểu này là thiệt thòi quyền lợi của nguyên đơn và có sự cứng nhắc. Bởi lẽ, trong vụ án nêu trên, cần đánh giá khách quan rằng việc giao dịch vay tiền giữa các bên là sự thật, nếu nguyên đơn am hiểu pháp luật và khởi kiện sớm hơn thì quyền lợi về việc được chấp nhận phần lãi suất là điều hoàn toàn xảy ra.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự cảm thông cho bị đơn nhưng không nhận lại được sự phản hồi tích cực từ bị đơn nên đến ngày 20/8/2021 nguyên đơn mới tiến hành khởi kiện. Thêm vào đó, quá trình ghi nhận ý kiến của bị đơn ngày 10/5/2022 cũng đã thể hiện ý chí của bị đơn thừa nhận nghĩa vụ nợ đối với nguyên đơn nên cần vận dụng linh hoạt khoản 2 Điều 156 BLDS năm 2015, thời hiệu khởi kiện VADS bắt đầu lại kể từ ngày 11/5/2022 (tức kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện thừa nhận nghĩa vụ). Cách vận dụng này cũng mang tính hợp lý trong trường hợp nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án, khi đó nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án theo Điều 217 BLTTDS năm 2015. Giả sử nguyên đơn khởi kiện lại vào tháng 7/2022 thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn do có biên bản thể hiện ngày 10/5/2022 bị đơn thừa nhận nợ. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để yêu cầu của nguyên đơn cũng như vận dụng có hiệu quả quy định pháp luật thì cần bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đối với phần lãi suất từ ngày 11/5/2022 để đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn cũng như căn cứ vào ý chí của các bên thì không thiệt thòi quyền lợi của bị đơn.

Thứ hai, Tòa án sẽ xử lý như thế nào đối với khoản lãi suất do hết thời hiệu khởi kiện.

Đối với vụ án nêu trên, dù hiểu theo cách nào thì đối với khoản tiền lãi từ ngày vi phạm nghĩa vụ, tức ngày nguyên đơn phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (ngày 16/3/2017) đến ngày có chứng cứ thể hiện bị đơn thừa nhận nghĩa vụ (ngày 10/5/2022) thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Vấn đề đặt ra, nếu nguyên đơn vẫn yêu cầu tính lãi đối với giai đoạn lãi này thì Tòa án giải quyết như thế nào. Có nhiều quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Quan điểm này xuất phát từ lập luận khoản tiền lãi gắn liền với yêu cầu khoản tiền gốc. Do đó, không có sự tách bạch về quan hệ tranh chấp và thuộc cùng phạm vi giải quyết vụ án. Thêm vào đó, điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì bắt buộc phải đình chỉ toàn bộ giải quyết vụ án nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với số lãi này chứ không áp dụng trường hợp đình chỉ giải quyết.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án cần áp dụng linh hoạt điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 theo hướng đình chỉ giải quyết đối với khoản tiền lãi này. Xét về bản chất, Tòa án không tiếp tục giải quyết do hết thời hiệu khởi kiện chứ thật sự yêu cầu của nguyên đơn không phải là không có căn cứ, do đó, để đảm bảo quyền khởi kiện lại của nguyên đơn nếu chính sách pháp luật trong tương lai có sự thay đổi, điều chỉnh thì cần thiết đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Quan điểm của tác giả, thống nhất với quan điểm thứ hai. Xét về điều kiện thụ lý vụ án thì điều kiện về thời hiệu khởi kiện không còn là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Điều 192 BLTTDS năm 2015, nếu quá trình giải quyết vụ án mà thời hiệu khởi kiện đã hết và đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Trong vụ án nêu trên, cần thiết xác định hai mối quan hệ tranh chấp là đòi lại tài sản (đối với khoản nợ gốc) và vay tài sản (đối với khoản nợ lãi), do đó, để đảm bảo việc xử lý tiền tạm ứng án phí có lợi cho nguyên đơn thì nên đình chỉ để họ được nhận lại, còn nếu không chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn phải chịu án phí. Việc đình chỉ yêu cầu này trong bản án sơ thẩm cũng không ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của đương sự cũng như quyền kháng nghị, bởi lẽ, việc đình chỉ này là một phần trong bản án sơ thẩm, do đó các đương sự được quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân được quyền kháng nghị theo quy định pháp luật. Đồng thời, cũng để đảm bảo quyền khởi kiện lại của nguyên đơn nếu chính sách pháp luật trong tương lai có sự thay đổi, điều chỉnh như trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP “Trường hợp kể từ ngày 01/01/2012, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại vụ án đó thì Tòa án xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung”.

3. Kiến nghị

Từ những bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị như sau:

Một là, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về sự kiện xảy ra tại khoản 1 Điều 157 BLDS năm 2015 diễn ra ở giai đoạn nào. Theo đó, cần hướng dẫn các sự kiện được liệt kê khoản 1 Điều 157 BLDS năm 2015 chỉ cần trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện nêu trên.

Hai là, kiến nghị TANDTC hướng dẫn khi phần lãi suất đã hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 đình chỉ giải quyết đối với phần đó, trong trường hợp này Tòa án không phải ra quyết định đình chỉ mà nhận định trong bản án./.

 ThS. NGUYỄN PHÁT LỘC ( Thẩm phán TAND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), MAI VĂN VIỆT (TAND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) 

Nguồn: Theo Tạp chí Toà án

869

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn