17/01/2022 13:58

Bất cập liên quan đến chi phí tố tụng khác trong tố tụng dân sự

Bất cập liên quan đến chi phí tố tụng khác trong tố tụng dân sự

Chi phí tố tụng trong vụ án dân sự là các khoản chi phí mà người nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án để Tòa án giải quyết các yêu cầu của họ trong vụ án dân sự. Tuy nhiên quy định cụ thể đối với việc thu, chi các khoản chi phí tố tụng khác tại Mục 2 Chương IX BLTTDS vẫn còn đang bỏ ngỏ.

1. Bất cập trong tố tụng

BLTTDS năm 2015 quy định các khoản chi phí tố tụng khác tại Mục 2 Chương IX (từ điều 151 đến Điều 168), trong đó quy định về các khoản thu chi khác như: chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 155), tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định (Điều 159), tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản (Điều 163), xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản (Điều 166),… nhưng chưa quy định cụ thể số tiền cụ thể để thu, chi cho các hoạt động trên dẫn đến nhiều bất cập.

Trong thực tiễn công tác nhận thấy, khi Tòa án án thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại thì ngoài việc đương sự phải chịu án phí, lệ phí Tòa án theo quy định từ Điều 143 đến Điều 150 BLTTDS, đương sự còn phải chịu các chi phí tố tụng khác được quy định từ Điều 151 đến Điều 168 BLTTDS. Theo Điều 169 thì “Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”.

Qua xem xét các quy định pháp luật, liên quan đến vấn đề này thì hiện nay về án phí, lệ phí Tòa án đã được quy định chi tiết tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Còn đối với các chi phí tố tụng khác thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa có văn bản quy định cụ thể.

Cụ thể tại Điều 155 quy định: “Tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc thẩm định tại chỗ. Chi phí thẩm định tại chỗ làm số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật”. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào quy định tiền chi phí thẩm định tại chỗ là bao nhiêu, từ đó dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật. Trong thực tế công tác tôi nhận thấy trong cùng địa phương, nhưng Tòa án mỗi nơi lại áp dụng khác nhau, kể cả Thẩm phán khi thực hiện tiến hành thẩm định tại chỗ cũng đưa ra các mức chi phí cho hoạt động thẩm định tại chỗ khác nhau.

Điển hình khi Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ sẽ phát sinh một số chi phí như: Chi phí cho việc đi lại; chi phí cho đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã, đại diện ấp, khu vực cùng tham gia xem xét, thẩm định tại chổ; chi phí cho cán bộ Tòa án; chi phí cho các cơ quan khác có liên quan tham gia việc xem xét, thẩm định tại chổ; chi phí thuê các phương tiện, kỹ thuật có liên quan; chi phí đo, vẽ nhà, đất; chi phí lược đồ…

Đối với chi phí thuê các phương tiện, kỹ thuật có liên quan, chi phí đo, vẽ nhà, đất (chi phí có hóa đơn, chứng từ) thì có thể căn cứ theo hóa đơn, chứng từ để thực hiện việc chi. Còn chi phí cho việc đi lại, chi phí cho đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã, đại diện ấp, khu vực cùng tham gia xem xét, thẩm định tại chổ; chi phí cho cán bộ Tòa án, chi phí cho các cơ quan khác có liên quan tham gia việc xem xét, thẩm định tại chổ,… thì hiện chưa có quy định pháp luật quy định khoản nào được chi, khoản nào không được chi, mức chi cụ thể như thế nào. Do đó, Tòa án có thể chi số tiền bao nhiêu còn dựa trên cảm tính hoặc Tòa án có thể không chi vì cho rằng đây là trách nhiệm của từng cơ quan trong thi hành công vụ. Điều này đã dẫn đến sự tùy nghi của Tòa án trong việc thu, chi các chi phí tố tụng khác, đặc biệt là các chi phí có liên quan đến việc xem xét, thẩm định tại chổ như đã nêu trên.

Cũng giống như chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, thì trong BLTTDS tại các Điều 163, 164, 165 và 166 cũng chưa được quy định cụ thể về mức chi cho các thành viên trong hội đồng định giá, các chi phí cho hoạt động định giá tài sản trong mỗi vụ án dân sự không có sự thống nhất và việc chi tiền cho các thành viên hội đồng định giá dựa trên cảm tính của Thẩm phán.

Ngoài ra, khi thu các chi phí tố tụng khác này thì Tòa án có ra phiếu thu cho đương sự nhưng không có quy định nào quy định mức thu bao nhiêu? Còn khi chi thì hiện nay không có quy định pháp luật là Tòa án sẽ chi như thế nào, mức chi, các chi phí nào được chi, không được chi… Lúc này, Thẩm phán chỉ ra một bản kê các chi phí tố tụng khác, liệt kê chung chung các mục đã chi, không hóa đơn, không chứng từ, không biên lai, không có danh sách ký nhận tiền…

2. Đề xuất, kiến nghị

Trên cở sở những vẫn đề bất cập gặp phải trong quá trình kiểm sát thực tế, để khắc phục tình trạng trên tôi đề xuất TANDTC, VKSNDTC cần sớm có văn bản đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành quy định cụ thể về việc thu,chi đối với các chi phí tố tụng khác tại Mục 2 Chương IX BLTTDS năm 2015 hoặc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên./.

PHAN TẤN XUÂN PHƯỚC (VKSND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

2556

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn