Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Luật Trẻ em 2016 có quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi và có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.
Tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 có định nghĩa rằng: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Bất kỳ hành vi nào cố ý làm hại trẻ dưới 16 tuổi đều được coi là bạo hành và ngược đãi trẻ em. Bạo lực trẻ em có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau và thường được gây ra cùng một lúc, như bạo hành trẻ em về thể chất, bạo hành trẻ về tinh thần, xâm hại tình dục trẻ em, bỏ mặc trẻ em, …
Bị bạo hành ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý ở trẻ. Ngoài xâm phạm thân thể, việc chửi mắng hay bỏ mặc trẻ cũng làm tổn thương tinh thần, nếu diễn ra thời gian dài sẽ gây khủng hoảng tâm lý.
Theo khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 có quy định cụ thể rằng: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành, và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Dựa vào tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ em thì người thực hiện hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
- Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Điều 123. Tội giết người;
- Điều 128. Tội vô ý làm chết người;
- Điều 140. Tội hạnh hạ người khác.
Ví dụ: Về tội hành hạ người khác, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, người hành vi bạo lực trẻ em đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương xứng tùy theo mức độ, tính chất của hành vi bạo lực. Trong trường hợp của con chị, nếu có đủ chứng cứ, dấu hiệu phạm tội của cô giáo về hành vi bạo lực con chị thì cô giáo có thể bị xử phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bản án về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi số 32/2023/HS-ST.
Bản án về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi số 44/2023/HS-ST.
Bản án về tội mua bán người dưới 16 tuổi số 170/2023/HS-PT.
Bản án về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi số 462/2023/HS-ST.
Bản án về tội cố ý gây thương tích và tội hành hạ con số 40/2021/HS-ST.