22/04/2024 17:09

Bảo lãnh vay là gì? Người đang nợ xấu có được bảo lãnh vay không?

Bảo lãnh vay là gì? Người đang nợ xấu có được bảo lãnh vay không?

TVPL cho tôi hỏi bảo lãnh vay là gì? Người đang nợ xấu có được bảo lãnh vay không? “anh Long - Đà Nẳng”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bảo lãnh vay là gì?

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Bảo lãnh vay vốn là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ vay.

2. Nợ xấu là gì? Người đang nợ xấu có được bảo lãnh vay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại nợ như sau:

Nhóm 1: Nợ tiêu chuẩn. Đây là khoản nợ chỉ quá hạn dưới 10 ngày, người được xếp vào nhóm này được xếp vào nhóm có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi đúng hạn…

Nhóm 2: Nợ cần chú ý. Đây là khoản nợ quá hạn từ 10 - 90 ngày…

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn: đây là khoản nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; nợ gia hạn lần đầu…

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ: khoản nợ quá hạn 181 - 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai…

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn: khoản nợ quá hạn 361 ngày…

Nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5 theo quy định trên, đồng nghĩa với việc, khoản nợ của bạn quá hạn thanh toán quá 90 ngày thì nó chính là nợ xấu.

Hiện nay, không có một quy định cụ thể nào về vấn đề nợ xấu của người bảo lãnh vay. Tuy nhiên, thông thường, nếu như một người đang có lịch sử nợ xấu, sẽ rất khó thực hiện các giao dịch liên quan đến vay vốn tại các ngân hàng. 

Tuy nhiên, người có nợ xấu vẫn được bảo lãnh vay phụ thuộc vào quy định của từng tổ chức tài chính hoặc ngân hàng. Một số yếu tố cơ bản sẽ được xem xét bao gồm:

Mức độ nợ xấu: Ngân hàng/tổ chức tài chính sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của nợ xấu, phân loại vào nhóm cụ thể, sau đó căn cứ vào các yếu tố như quá trình giải quyết nợ, sự cố gắng của người bảo lãnh trong việc cải thiện tình hình tài chính để xem xét cho vay.

Lãi suất và điều kiện vay: Căn cứ vào tình hình nợ xấu của người bảo lãnh, ngân hàng/ tổ chức tài chính có thể áp dụng lãi suất cho vay cao hơn hoặc đi kèm các điều kiện đặc biệt để phòng rủi ro.

- Khả năng thanh toán: Ngân hàng/tổ chức tài chính sẽ đánh giá khả năng tài chính của người bảo lãnh ở thời điểm hiện tại và quá khứ để xác định khả năng thanh toán về sau.

Như vậy, dẫu sẽ khó khăn nhưng người đang nợ xấu vẫn có thể bảo lãnh khoản vay cho người muốn vay.

3. Trường hợp nào người bảo lãnh vay không phải thực hiện nghĩa vụ?

Trường hợp 1: Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Căn cứ điều 341 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

- Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

- Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Trường hợp 2: Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh

Điều 343 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về 

Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

- Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

+ Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

+ Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

+ Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

+ Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, nếu bên bảo lãnh vay thuộc một trong hai trường hợp miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hoặc chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh như trên thì sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người được bảo lãnh.

Nguyễn Minh Khôi
510

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn