Chào anh, Ban biên tập giải đáp như sau:
Theo Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.
Theo Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và Khoản 65 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về tên của giống cây trồng như sau:
- Người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.
- Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
- Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
+ Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;
+ Vi phạm đạo đức xã hội;
+ Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó;
+ Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
+ Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
+ Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
- Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.
- Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Bên cạnh đó, theo Điều 177 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về công bố đơn đăng ký bảo hộ thì: Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.
Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng ký, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
Ngoài ra, hành vi sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ là một trong những hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Trân trọng!