Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Bảo hiểm nhân thọ có thể hiểu là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo đảm những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng của con người. Người tham gia bảo hiểm sẽ thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm sẽ đóng đúng những khoản phí vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý để được chi trả số tiền nhất định khi không may gặp rủi ro hoặc trước thời điểm đáo hạn.
Tại Khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ được định nghĩa như sau: Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 46/2023/NĐ-CP về các loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bao gồm:
- Bảo hiểm trọn đời.
- Bảo hiểm sinh kỳ.
- Bảo hiểm tử kỳ.
- Bảo hiểm hỗn hợp.
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ.
- Bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị) theo quy định tại Chương VII Nghị định này.
- Bảo hiểm hưu trí theo quy định tại Chương VII Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được định nghĩa như sau:
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Như vậy, bảo hiểm nhân thọ là cách người sử hữu dự phòng tài chính cho tương lai với mục đích thay thế nguồn thu nhập khi gặp rủi ro bất trắc liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP về điều kiện tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cụ thể:
- Tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 64, 65, 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều kiện về tài chính sau đây:
+ Tổ chức góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu lớn hơn hoặc bằng số vốn dự kiến góp;
+ Trường hợp tổ chức góp vốn là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán thì các tổ chức này phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật liên quan không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản chấp thuận thì tổ chức góp vốn phải có văn bản xác nhận việc này;
+ Trường hợp tổ chức góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài thì phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi các tổ chức này đóng trụ sở chính cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi tổ chức này đóng trụ sở chính không có yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước đó;
+ Có báo cáo tài chính 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều kiện về tài chính sau đây:
+ Điều kiện quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
+ Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài đóng trụ sở chính xác nhận đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.
Như vậy, để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm thì các doanh nghiệp bao hiểm phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về tài chính trên. Và một trong các điều kiện không thể thiếu là có báo cáo tài chính 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
Trân trọng!