26/10/2023 16:38

Bảo hiểm khoản vay là gì? Những điều cần biết loại bỏ rủi ro khi vay vốn

Bảo hiểm khoản vay là gì? Những điều cần biết loại bỏ rủi ro khi vay vốn

Bảo hiểm khoản vay là gì? Khi vay vốn có bắt buộc phải mua bảo hiểm khoản vay không? Thu Nguyệt – Hải Dương.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bảo hiểm khoản vay là gì?

Bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tín dụng là một hình thức bảo hiểm giúp người vay trả nợ ngân hàng nếu mất khả năng thanh toán. Khi người vay gặp rủi ro bị tử vong hoặc tai nạn thương tật vĩnh viễn, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán khoản dư nợ còn lại cho ngân hàng.

Các loại hình bảo hiểm hiện nay bao gồm:

- Bảo hiểm nhân thọ;

- Bảo hiểm sức khỏe;

- Bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 về bảo hiểm bắt buộc:

- Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

- Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

+ Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

+ Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

+ Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

+ Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các văn bản pháp luật liên quan cũng không quy định bắt buộc về bảo đảm khoản vay.

Điều 15. Bảo đảm tiền vay

Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.

Như vậy, việc khách hàng mua bảo hiểm khoản vay khi vay vốn là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vay trên cơ sở tự nguyện của các bên, không bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm khoản vay khi vay vốn.

2. Những điều cần biết loại bỏ rủi ro khi vay vốn

Người vay có được tự chọn công ty mua bảo hiểm khoản vay?

Thông thường, ngân hàng chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo các tiêu chí được ngân hàng đưa ra, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm do ngân hàng liên kểt.

Các hình thức thanh toán bảo hiểm khoản vay hiện nay

Tùy thuộc vào quy định doanh nghiệp bảo hiểm và thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp người vay chọn được hình thức thanh toán khoản vay phù hợp:

- Nộp tiền trực tiếp tại quầy ngân hàng.

- Nộp tiền thông qua hình thức online/banking.

- Nộp tiền qua thu phí viên của công ty.

Lợi ích của bảo hiểm khoản vay mang lại cho bên vay và bên cho vay

- Đối với bên vay:

+ Được bảo vệ và đảm bảo trả nợ khi gặp rủi ro không may như tử vong, thương tật vĩnh viễn. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả số nợ còn lại thay bạn.

+ Yên tâm hơn khi vay vốn, không lo nợ ngân hàng bị chồng chất khi gặp rủi ro.

+ Được hưởng lãi suất vay ưu đãi từ ngân hàng nếu tham gia bảo hiểm kèm theo khoản vay.

+ Giúp gia đình ổn định cuộc sống khi không còn gánh nặng tài chính do nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, bên vay cũng sẽ phải chi trả một khoản phí bảo hiểm nhất định. Ngoài ra, không phải sự cố nào cũng được chi trả bảo hiểm. Vì vậy, bên vay cần xem kỹ điều khoản trước khi quyết định mua bảo hiểm tín dụng.

- Đối với bên cho vay:

Khi khách hàng mua bảo hiểm tín dụng kèm theo khoản vay tại ngân hàng, ngân hàng sẽ được một số lợi ích sau:

+ Giảm thiểu rủi ro cho vay: Ngân hàng được bảo hiểm bù đắp khoản nợ nếu khách hàng không may tử vong hoặc mất khả năng trả nợ.

+ Tăng doanh thu phí dịch vụ: Ngân hàng được hưởng một phần hoa hồng từ doanh thu phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm.

+ Cơ hội bán chéo sản phẩm: Khi khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm tín dụng, ngân hàng có cơ hội chào bán thêm các sản phẩm, dịch vụ khác.

+ Nâng cao uy tín và sự hài lòng của khách hàng: Bảo hiểm tín dụng giúp khách hàng yên tâm hơn khi vay vốn tại ngân hàng.

+ Thu hút khách hàng: Bảo hiểm tín dụng là một dịch vụ có giá trị, thu hút người đi vay quan tâm và lựa chọn ngân hàng.

Nhìn chung, việc phân phối bảo hiểm tín dụng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng về mặt kinh doanh cũng như hình ảnh thương hiệu.

3. Mức xử phạt hành chính Ngân hàng “ép” mua bảo hiểm khoản vay

“Việc ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay sẽ gây ra những hệ luỵ như là khách hàng cần phải vay số tiền lớn hơn, bao gồm cả bảo hiểm khoản vay. Trong nền kinh tế đang thiếu vốn, khách hàng sẽ khó tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng, mục tiêu khách hàng đưa ra khó thực hiện hơn khi vừa phải vay nợ vừa phải mua bảo hiểm.”

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

- Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

- Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

- Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

- Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Như vậy, ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, ngân hàng có thể bị phạt từ 40.000.000 đồng - 50.000.000 đồng.

Nguyễn Ngọc Trầm
32396

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]