24/12/2021 14:21

Bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

BLTTHS năm 2015 đã có những nội dung đổi mới so với BLTTHS năm 2003 về chế định bào chữa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những quy định có điểm bất cập, chưa hợp lý và thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên dẫn tới việc hạn chế trong việc áp dụng pháp luật bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị buộc tội.

Đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, BLTTHS năm 2015 đã có những nội dung đổi mới so với BLTTHS năm 2003 về chế định bào chữa như: bổ sung đối tượng bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa; quy định người bào chữa có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; mở rộng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa; mở rộng những người có quyền mời người bào chữa… Để quyền bào chữa của người bị buộc tội được bảo đảm, BLTTHS đã quy định cụ thể tại Điều 57, 58, 59, 60, 61, 73 BLTTHS năm 2015.

Tại Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, quyền bào chữa được bảo đảm thể hiện là người bị buộc tội được: bảo đảm quyền tự bào chữa, bảo đảm quyền nhờ người bào chữa và bảo đảm thông qua việc chỉ định người bào chữa (quyền có người bào chữa).

Còn chủ thể của quyền bào chữa là người bị buộc tội, vậy tức là bao gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Chính vì vậy, quyền bào chữa xuất hiện từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, có quyết định tạm giữ hay khi có quyết định khởi tố bị can và kết thúc khi vụ án được đưa ra xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật. Trong một số trường hợp vụ án bị đình chỉ khi không có căn cứ buộc tội thì chức năng bào chữa sẽ kết thúc sớm. Như vậy, người bị buộc tội trên cơ sở các quyền mà pháp luật quy định để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, nhằm gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ TNHS, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trong các giai đoạn tố tụng.

Nhưng trong thực tiễn áp dụng tại các giai đoạn tố tụng còn có những quy định có điểm bất cập, chưa hợp lý và thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên không thể tránh khỏi sự hạn chế nhất định trong việc áp dụng pháp luật bảo đảm quyền bào chữa. Do đó, BLTTHS cần sửa đổi bổ sung theo hướng cụ thể rõ ràng hơn, có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thứ nhất, cần bổ sung cho bị can, bị cáo quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ và quyền được đề nghị gặp riêng người bào chữa.

BLTTHS năm 2015 mới quy định người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ theo điểm k khoản 1 Điều 73 BLTTHS còn đối với bị can, bị cáo không có quyền này. Do đó, những bị can, bị cáo không có người bào chữa sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ cũng như làm rõ các tình tiết khác của vụ án, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tự bào chữa của họ. Đặc biệt là đối với những bị can, bị can đang bị tam giam sẽ càng gặp khó khăn hơn. Vì vậy, để bị can, bị cáo thực hiện tốt quyền bào chữa của mình khi họ không đủ điều kiện để nhờ người khác bào chữa, các nhà làm lập cần nghiên cứu bổ sung thêm quyền “đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ” vào Điều 60, 61 BLTTHS.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS quy định: “người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội”. Do đó, để làm sáng tỏ những chứng cứ, những tình tiết quan trọng của vụ án thì người bào chữa có quyền chủ động gặp và hỏi người bị buộc tội. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 lại chưa có quy định về việc người bị buộc tội có yêu cầu gặp gỡ người bào chữa khi họ bị tạm giữ, tạm giam. Việc gặp gỡ giữa bị can, bị cáo với người bào chữa phụ thuộc vào việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người bào chữa. Trong thực tế có nhiều trường hợp, bị can mới chỉ gặp gỡ người bào chữa một, hai lần đến khi mở phiên tòa xét xử. Như vậy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, họ không biết được rõ về năng lực và khả năng của người bào chữa khi ra phiên tòa thực hiện quyền bào chữa cho mình. Vì vậy, các nhà làm luật cần cân nhắc vấn đề này để nghiên cứu bổ sung thêm quyền “đề nghị được gặp riêng người bào chữa” của bị can, bị cáo tại Điều 60, 61 BLTTHS.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS chỉ quy định chung quyền của người bào chữa là “gặp, hỏi người bị buộc tội” mà chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan khác như thời gian gặp riêng hay giám sát, bảo đảm thông tin mật khi trao đổi… Mặc dù thông tư 46/2019/TT-BCA quy định việc không hạn chế số lần gặp cũng như thời gian của một lần gặp hay giám sát cuộc gặp nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, lại không có giải thích như thế nào là trường hợp cần thiết phải giám sát. Ngoài ra, việc quy định các quyền cho người bào chữa nhưng không quy định chế tài cho hành vi vi phạm, cản trở… Do đó, cần bổ sung thêm quy định xử lý đối với các vi phạm, có thể coi đó là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi vì hậu quả của vi phạm mang lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của người được bào chữa, thậm chí có thể dẫn đến oan sai.

Thứ hai, cần có quy định cụ thể quyền được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

Căn cứ theo điểm l khoản 1 Điều 73 BLTTHS thì người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra, nhưng khoản 4 Điều 232 BLTTHS quy định: “trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp…, gửi bản kết luận điều tra cho người bào chữa. Thực tế áp dụng thời hạn 02 ngày để người bào chữa quá ít để sao chụp, ghi chép hồ sơ vụ án, bởi vì hồ sơ vụ án được bàn giao sang Viện kiểm sát cùng cấp, thường người bào chữa chỉ nhận được bản kết luận điều tra. Như vậy người bào chữa chỉ có thể thực hiện quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu ở giai đoạn sau (tại Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố và tại Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử). Và khi chuyển sang các giai đoạn này việc nghiên cứu hồ sơ của các cơ quan được tập trung, việc người bào chữa đề nghị sao chụp tài liệu ở một số cơ quan thường không được đảm bảo và bị các cơ quan gây khó khăn khi tiếp xúc hồ sơ. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho người bào chữa cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và có thể sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 232 BLTTHS theo hướng sau: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người chữa hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện kiểm sát, quyền đọc, ghi chéo và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra sẽ do Viện kiểm sát cung cấp bảo đảm.”

Thứ ba, cần nghiên cứu sửa đổi trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ.

Trường hợp đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam việc nhờ người khác bào chữa mặc dù người bị buộc tội có quyền trao cho người đại diện, người thân thích nhưng thực tế áp dụng cho thấy, người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội nhờ người bào chữa ít khi được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận như: chưa có ý kiến của bị can, bị can không đồng ý hay bị ép từ chối. Khi bị can đang bị tạm giam cách ly khỏi xã hội, khó khăn trong cơ hội tiếp xúc với người thân. Chính vì vậy Thông tư số 46/2019/TT-BCA quy định rất chi tiết trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa. Nhưng trường hợp, người bào chữa không có “Giấy thông báo người bào chữa” thì không được gặp bị can. Ngược lại, không có xác nhận của bị can thì cơ quan tiến hành tố tụng không cấp “Giấy thông báo người bào chữa”. Như vậy, việc quy định về việc người bị buộc tội từ chối người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa gặp trực tiếp người bị buộc tội tại khoản 2 Điều 77 BLTTHS là chưa phù hợp.

Do vậy có thể sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 75 BLTTHS như sau: Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để họ gặp người bào chữa cho mình và có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.”

Thứ tư, cần nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 291 BLTTHS năm 2015 về sự tham gia tố tụng của người bào chữa tại phiên tòa.

Việc người bào chữa tham gia bào chữa cho người mình nhận bào chữa tại phiên tòa là nghĩa vụ. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp người bào chữa vắng mặt không tham gia phiên tòa do những lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Nhưng để vừa bảo đảm thời hạn xét xử, vừa đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo, cần phải cân nhắc để quyết định việc xét xử vắng mặt cho hợp lý. Dựa trên vai trò của người bào chữa đối với người bị buộc tội, nên quy định người bào chữa phải gửi bản bào chữa trước cho Tòa án trong trường hợp họ vắng mặt để phiên tòa được xét xử theo đúng thời hạn và vừa bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Do khoản 1 Điều 291 BLTTHS chỉ quy định “người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án”, do đó có trường hợp người bào chữa gửi trước có trường hợp người bào chữa không gửi dẫn đến khi phiên tòa diễn ra người bị buộc tội không được người bào chữa nhận bào chữa cho mình trình bày lời bào chữa, phản biện lại lời luận tội từ phía đại diện Viện kiểm sát. Dẫn tới quyền bào chữa của bị cáo chưa được đảm bảo khi bị cáo có người bào chữa mà không thể tham gia phiên tòa.

Do đó, khoản 1 Điều 291 BLTTHS có thể sửa đổi bổ sung: “… Người bào chữa gửi bản bào chữa cho Tòa án trước khi mở phiên tòa xét xử…”

Thứ năm, bổ sung quy định lập biên bản về việc các cơ quan có thẩm quyền giải thích các quy định về quyền bào chữa cho người bị buộc tội.

Nguyên tắc khi thực hiện quyền bào chữa cho người bị buộc tội là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải có trách nhiệm giải thích đầy đủ các quy định về quyền bào chữa và được BLTTHS năm 2015 đã có quy định về điều này. Tuy nhiên thực tiễn thi hành cho thấy, họ không được biết hay cố tình không biết về quyền bào chữa, không dùng lập luận, dẫn chứng để bảo vệ mình, không nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, để tăng tính minh bạch và để thực hiện nghiêm chỉnh hoạt động này, trong các giai đoạn tố tụng cần phải có quy định về việc lập biên bản về giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội, trong đó có quyền bào chữa, người bị buộc tội ký xác nhận là đã được giải thích các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo quyền bào chữa cho người bị buộc tội cũng như bảo đảm thời hạn xét xử theo luật định. Các biên bản này phải được lưu tại hồ sơ vụ án như quy định bắt buộc.

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1389

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn