29/04/2021 15:30

Bàn về xử lý vật chứng trong một số trường hợp pháp luật chưa có quy định

Bàn về xử lý vật chứng trong một số trường hợp pháp luật chưa có quy định

Xử lý vật chứng là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền, tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, căn cứ vào các quy định của pháp luật quyết định số phận pháp lý của vật chứng đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xử lý vật chứng đúng góp phần quan trọng vào việc khôi phục lại quyền sở hữu cho chủ sở hữu, xóa bỏ phương thức điều kiện phạm tội, …nghiên cứu các quy định về xử lý vật chứng có ý nghĩa thiết thực và quan trọng đối với quá trình giải quyết án.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật khi xử lý vật chứng và thực tiễn hiện nay vẫn có nhiều nội dung luật chưa có quy định cụ thể và cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, do vậy gây lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành xử lý vật chứng và còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

1. Xử lý vật chứng là tài liệu, đồ vật được xác định là vật chứng của hai hay nhiều vụ án độc lập

Các quy định về xử lý vật chứng trong BLTTHS 2015 chỉ áp dụng đối với vật được xác định là vật chứng của một vụ án. Đối với vật được xác định là vật chứng của hai hay nhiều vụ án độc lập thì chưa có quy định nên xảy ra vướng mắc. Chẳng hạn, con dao vừa là công cụ phạm tội trong vụ án Giết người, vừa là công cụ phạm tội trong vụ án Cố ý gây thương tích… Vụ án Giết người được đưa ra xét xử trước. Theo quy định khi xét xử vụ án giết người, do con dao là vật chứng nên phải áp dụng điểm a khoản 2, Điều 106 “vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội” để tiêu hủy. Tuy nhiên, con dao này lại là vật chứng trong vụ án Cố ý gây thương tích và vụ án này chưa được xét xử. Nếu Hội đồng xét xử tuyên tiêu hủy thì trong vụ án Cố ý gây thương tích được xét xử sau sẽ không còn vật chứng để xem xét, do vậy bản án sẽ không có tính thuyết phục cao. Trên thực tế, có quan điểm cho rằng, cách giải quyết phù hợp nhất là vẫn tạm giữ con dao để phục vụ cho việc giải quyết vụ án sau. Chúng tôi đồng ý với quan điểm trên, tuy nhiên do hiện nay luật chưa có quy định về trường hợp này, do vậy khi áp dụng còn thiếu đi căn cứ pháp lý. Do vậy, theo chúng tôi cần có hướng dẫn bổ sung hình thức xử lý vật chứng này vào quy định của luật theo hướng: “Đối với trường hợp tài liệu, đồ vật là vật chứng của hai hay nhiều vụ án độc lập, khi xét xử lần đầu thì phải tuyên tạm giữ vật chứng đó để làm căn cứ xem xét giải quyết ở các vụ án khác có liên quan; việc thi hành xử lý vật chứng chỉ được tiến hành khi tất cả các vụ án liên quan đã được xét xử”.

2. Xử lý vật chứng là một số tài sản đặc biệt

Hiện nay, BLTTHS không quy định vấn đề xử lý đối với một số vật chứng được xem làm tài sản “đặc biệt” mà BLTTHS năm 2015 chỉ quy định chung là trả lại ngay tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Tài sản đặc biệt đó có thể là: sim điện thoại có giá trị lớn; tranh, ảnh có giá trị nghệ thuật lớn; chim cảnh, cây cảnh có giá trị; các loại tác phẩm nghệ thuật khác như tượng điêu khắc, các dụng cụ âm nhạc có giá trị… Trong một số trường hợp cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã tiến hành trả lại những tài sản đặc biệt này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, sau đó cơ quan tố tụng xét thấy cần giám định hoặc định giá những tài sản này để phục vụ việc giải quyết án, tuy nhiên quá trình giám định, định giá lại phát sinh trường hợp đó là tài sản sau khi được trả lại cho chủ sở hữu thì bị hỏng, biến dạng, bị thay đổi, đánh tráo… mà chủ sở hữu không biết dẫn tới việc giám định, định giá không có kết quả hoặc kết quả không chính xác hoặc không giám định, định giá được tài sản, không còn công năng giá trị sử dụng. Do vậy, theo chúng tôi trong trường hợp này cần quy định: “Đối với vật chứng là những tài sản đặc biệt như sim điện thoại có giá trị lớn; tranh, ảnh có giá trị nghệ thuật lớn; chim cảnh, cây cảnh có giá trị; các loại tác phẩm nghệ thuật khác như tượng điêu khắc, các dụng cụ âm nhạc có giá trị…thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền cần giao ngay cho các cơ quan có chuyên môn bảo quản và quản lý để phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án”.

3. Xử lý vật chứng trong trường hợp vật chứng thỏa mãn nhiều điểm quy định tại Điều 106 BLTTHS 2015

Vật chứng có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Nếu dựa theo khái niệm thì vật chứng được phân thành vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm… Còn nếu dựa vào giá trị thì vật chứng được phân thành vật có giá trị sử dụng, vật không có giá trị sử dụng hoặc vật không sử dụng được, … Trên cơ sở phân loại vật chứng mà điều luật đưa ra các biện pháp xử lý khác nhau có thể là tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy, bán theo quy định của pháp luật, giao trả lại cho chủ sở hữu, … Tuy nhiên, điều luật lại không áp dụng một cách phân loại vật chứng mà lại áp dụng nhiều cách phân loại để đề ra các biện pháp xử lý vật chứng nên có thể dẫn đến 01 vật chứng nhưng có thể bị xử lý ở 02 điểm khác nhau của Điều 106 khi chúng vừa thỏa mãn quy định tại điểm này vừa thỏa mãn quy định tại điểm khác vì trong điều luật không có quy định loại trừ. Đây có thể là kẽ hở dẫn đến việc xử lý vật chứng không thống nhất và có thể bị lợi dụng khi xử lý vật chứng vì mục đích cá nhân. Do đó, theo chúng tôi các cơ quan tư pháp trung ương cần có hướng dẫn việc xác định vật chứng nào là vật không có giá trị sử dụng hoặc sử dụng không được; vật chứng là loại nào thì thuộc trường hợp mau hỏng hoặc khó bảo quản, trình tự thủ tục bán hoặc tiêu hủy theo trình tự thủ tực như thế nào; trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp từ chối nhận lại tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt thì căn cứ vào điều luật nào để xử lý vật chứng…

Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ có tính truyền thống, quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; các quy định về vật chứng trong BLTTHS 2015 đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý, giúp cho cơ quan, người tiến hành tố tụng trực tiếp tiến hành giải quyết vụ án cũng như vấn đề hậu quả của tội. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều quy định cụ thể như trên cần được hướng dẫn và áp dụng thống nhất trong thực tiễn./.

Hồ Quân

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

5002

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]