29/01/2021 11:22

Bàn về vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự

Bàn về vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), đương sự có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án dân sự mà đương sự có ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng đã phát sinh khó khăn, vướng mắc về thủ tục ủy quyền và có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

1.Tình huống thứ nhất

Trong trường hợp chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết, sau khi Tòa án thụ lý vụ án, đương sự đã ủy quyền cho người được ủy quyền tham gia tố tụng (giả thiết là việc ủy quyền được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật). Sau đó vụ án được chuyển đến Tòa án khác theo thẩm quyền. Khi đó giấy ủy quyền của đương sự còn có giá trị pháp lý hay không? Nếu đương sự không thực hiện lại thủ tục ủy quyền có được không, người ủy quyền vắng mặt trong các phiên hòa giải, xét xử thì có xem đây là trường hợp đương sự vắng mặt không lý do không?

Trường hợp này có quan điểm cho rằng: Dù đương sự đã thực hiện đúng thủ tục ủy quyền nhưng khi đã chuyển Tòa án khác thụ lý thì phải thực hiện lại việc ủy quyền. Nếu không thì xem như đương sự không có ủy quyền và nếu vắng mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì được xem là vắng mặt không lý do. Lý giải: Tòa án nhận vụ án từ Tòa án án khác chuyển đến thì phải vào sổ thụ lý mới và xem đây là một vụ án thụ lý mới, những thủ tục tố tụng phải được tiến hành lại từ đầu và việc ủy quyền nếu được thực hiện kể từ thời điểm thụ lý của Tòa (nơi nhận vụ án) thì mới có giá trị pháp lý.

Theo quan điểm tác giả: Nếu đương sự đã có văn bản ủy quyền đúng theo quy định của pháp luật thì cho dù sau đó Tòa án có chuyển vụ án cho Tòa án khác thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền thì văn bản này vẫn có giá trị về mặt pháp lý, đương sự không phải làm lại thủ tục ủy quyền. Lý giải: Mặc dù Tòa án nhận vụ án từ Tòa án khác chuyển đến thì phải vào sổ thụ lý mới, tuy nhiên không hẳn tất cả những thủ tục tố tụng phải tiến hành lại từ đầu, những thủ tục đã được Tòa án thụ lý trước tiến hành thì vẫn có giá trị chuyển tiếp. Chẳng hạn như việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng, thủ tục kiểm tra việc tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải,... Hơn nữa, dù cho có chuyển theo thẩm quyền thì những tài liệu, chứng cứ đã được đương sự giao nộp hoặc Tòa án đã thu thập đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật trong hồ sơ vụ án đều có giá trị sử dụng làm chứng cứ trong quá trình nghiên cứu, xem xét tính có căn cứ và hợp pháp những yêu cầu của đương sự. Chính vì vậy, chỉ cần đương sự đã thực hiện đúng thủ tục ủy quyền thì cho dù Tòa án có chuyển vụ án cho Tòa án khác hay không thì việc ủy quyền vẫn có hiệu lực (nếu thời hạn ủy quyền vẫn còn hoặc các bên chưa chấm dứt việc ủy quyền).

2.Tình huống thứ hai

Trường hợp sau khi đương sự khởi kiện, Tòa án ra thông báo thụ lý và có tống đạt thông báo đó cho đương sự, đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, giấy ủy quyền của đương sự có nêu: “ông Nguyễn Văn A ủy quyền cho ông Nguyễn Văn B tham gia tố tụng vụ án dân sân sự theo thông báo thụ lý số…ngày…tháng…năm…của Tòa án nhân dân… cho đến khi vụ án được giải quyết xong.” Theo đó, thông báo thụ lý vụ án được viện dẫn trong văn bản ủy quyền có nêu nội dung yêu cầu khởi kiện của đương sự. Vấn đề đặt ra, văn bản ủy quyền này có giá trị trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết vụ án hay không? Khi đương sự có khởi kiện bổ sung, Tòa án có thông báo thụ lý bổ sung thì đương sự có phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền hay không?

Trường hợp này có quan điểm cho rằng: Đương sự viện dẫn số, ngày thông báo thụ lý vào văn bản ủy quyền thì có nghĩa là chỉ ủy quyền tham gia tố tụng trong phạm vi khởi kiện đã nêu trong thông báo thụ lý đó. Nếu có khởi kiện bổ sung thì phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền.

Theo quan điểm tác giả: Đương sự viện dẫn số, ngày thông báo thụ lý có nghĩa là ông A ủy quyền cho ông B tham gia tố tụng ở vụ án đã được Tòa án thụ lý theo thông báo thụ lý đã nêu, như vậy dù có khởi kiện bổ sung, thụ lý vụ án bổ sung thì cũng không cần phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền, trường hợp này người nhận ủy quyền vẫn có quyền tham gia tố tụng đến khi vụ án được giải quyết xong (trừ trường hợp các bên tự nguyện chấm dứt việc ủy quyền).

Trên đây là một số vướng mắc trong thực tiễn và các ý kiến trao đổi mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả./.

LÊ THỊ NGỌC LỢI (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3004

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]