Việc xác định không xác định “người bị yêu cầu” là đương sự trong quá trình giải quyết việc dân sự tác giả thấy có rất nhiều bất cập và mâu thuẫn trong nội tại của BLTTDS và Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP.
1.Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án các cấp
Tại điểm a và b khoản 2 Điều 39 BLTTDS về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì:
“a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;”
Tại điểm a khoản 2 Điều 40: “Người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình trong các trường hợp sau đây: a) Đối với các yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết;”
Và các điều luật khác trong tố tụng dân sự về thẩm quyền của Tòa án không căn cứ vào nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xem xét thẩm quyền mà Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu mới có thẩm quyền giải quyết.
Ở vấn đề này tư cách tố tụng là người bị yêu cầu có phải là đương sự nhưng Điều 68 BLTTDS không công nhận thể hiện sự mâu thuẫn.
2.Về quyền, nghĩa vụ của người bị yêu cầu
Do người bị yêu cầu không phải là đương sự (khoản 1 Điều 68 BLTTDS) nên mặc nhiên không có quyền, không thể thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 70 BLTTDS.
Theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP ngày 9/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự tư cách tố tụng “người bị yêu cầu” được đề cập tại các mẫu số 02-VDS (đơn rút yêu cầu giải quyết việc dân sự), 19-VDS (quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự), 29-VDS (quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích), 30-VDS (quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết).
Nếu “người bị yêu cầu” xuất hiện và có ý kiến cho rằng uy tín, danh dự bị xâm phạm hoặc bị thiệt hại về tài sản do các quyết định trên gây ra, mà không có quyền yêu cầu độc lập hay yêu cầu phẩn tố đối với người yêu cầu để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình ngay trong vụ việc này thì đây là điểm bất hợp lý.
Theo như quy định hiện hành, thì đến khi người bị yêu cầu chuyển hóa tư cách tố tụng thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo 29/33 mẫu tố tụng còn lại ở nghị quyết nêu trên thì lúc đó mới phát sinh quyền, nghĩa vụ tố tụng họ mới có quyền yêu cầu độc lập, yêu cầu phản tố.
VD: A yêu cầu Tòa án tuyên bố B là đã chết, từ khi nhận đơn đến thụ lý vụ án và ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết (mẫu 30-VDS) thì B không có tư cách tố tụng gì để tham gia giải quyết vụ việc theo quy định tại Chương VI về người tham gia tố tụng của BLTTDS. Vì không có tư cách tố tụng nên Tòa án không lấy ý kiến của người bị yêu cầu dù có mặt, có đủ năng lực hành vi dân sự, mà phải đợi đến khi ra quyết định mở phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự (mẫu 15-VDS), khi đó người bị yêu cầu là B trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có thể thực hiện các quyền của mình theo Điều 70 BLTTDS.
3.Kiến nghị
Theo tác giả, “người bị yêu cầu” trong BLTTDS là người bị người khác hoặc chính mình yêu cầu Tòa án tuyên bố: công nhận hoặc tước đi quyền, nghĩa vụ, xác lập hay không xác lập mối quan hệ pháp luật đối với mình – có tư cách là một chủ thể tham gia tố tụng dân sự cần được quy định là đương sự. Vì trước khi bị tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất tích, đã chết... thì họ vẫn có quyền trình bày ý kiến, yêu cầu với tư cách tố tụng là đương sự không bị hạn chế quyền, nghĩa vụ khi không có tư cách tham gia tố tụng như BLTTDS hiện nay quy định.