28/05/2021 14:31

Bàn về tội 'Đào nhiệm' theo quy định tại Điều 363 Bộ luật Hình sự

Bàn về tội 'Đào nhiệm' theo quy định tại Điều 363 Bộ luật Hình sự

Trong những năm qua, báo chí, dư luận trong nước bức xúc trước việc một số địa phương cử cán bộ, công chức đi học nước ngoài, trong nước nhưng sau đó không trở về địa phương phục vụ hoặc phục vụ một thời gian nhưng bỏ ngang, cán bộ, công chức từ bỏ công việc của mình không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Tình trạng này đã gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước, uy tín của hệ thống chính quyền nhưng nhìn chung chế tài xử lý với các hành vi này vẫn chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) có nhiều quy định trong đó, quy định tội “Đào nhiệm” thuộc nhóm tội chức vụ khác. So với các tội phạm chức vụ như tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tội ‘Đưa hối lộ”… thì tội “Đào nhiệm” ít khi bị xử lý về mặt hình sự mặc dù trong thực tiễn có nhiều hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên khó xử lý.

Quy định tại Điều 363 BLHS tội “Đào nhiệm”

Tội “Đào nhiệm” được quy định tại Điều 363 BLHS như sau:

“1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

c) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

So với quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 về tội “Đào nhiệm” về cơ bản vẫn giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm chủ thể là viên chức, điều chỉnh mức hình phạt cải tạo không giam giữ 03 năm hoặc phạt tù 06 tháng đến 03 năm (BLHS năm 1999 là cải tạo không giam giữ hai năm hoặc phạt tù ba tháng đến ba năm).

Về chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức.

Tội phạm này chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “từ bỏ nhiệm vụ công tác”; biểu hiện của hành vi này cũng đa dạng như: bỏ hẳn cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức; không thực hiện nhiệm vụ được giao và những hành vi khác từ bỏ nhiệm vụ công tác của mình.

Bỏ cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức là tự ý bỏ việc để đến làm việc ở cơ quan, tổ chức khác không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Thông thường trường hợp này, người phạm tội từ bỏ luôn chức danh “cán bộ, công chức viên chức” để làm một việc có thu nhập cao hơn như: bỏ cơ quan nhà nước để làm kinh tế tư nhân; bỏ bệnh viện mà ra thành lập trung tâm khám chữa bệnh tư nhân,… hành vi này tương tự như hành vi đảo ngũ trong tội "Đảo ngũ", tức là bỏ luôn cơ quan, tổ chức và không công tác ở cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức nữa. Loại hành vi này dễ xác định. Tuy nhiên, trong trường hợp cán bộ, công chức đã làm đơn xin nghỉ việc hoặc đã thông báo xin nghỉ việc cho người có trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức mà mình công tác, nhưng đã hết thời hạn giải quyết mà cơ quan, tổ chức không trả lời cho cán bộ, công chức mà cán bộ tự ý bỏ việc thì không coi là đào nhiệm.

Nếu đã có thông báo của cơ quan, tổ chức không đồng ý cho cán bộ, công chức nghỉ việc mà cố tình bỏ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn có thể coi là đào nhiệm.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu hành vi từ bỏ nhiệm vụ mà không gây ra hậu quả thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hậu quả có thể thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe hay hậu quả phi vật chất khác.

Điểm lưu ý trong tội danh này là “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” được quy định trong tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 363 quy định này về cơ không phù hợp với kỹ thuật lập pháp vì tính chất nguy hiểm là khác nhau nhưng trong quá trình quyết định hình phạt thì vận dụng tình tiết để quyết định cho phù hợp.

Bất cập, hạn chế

Thứ nhất, về tên tội danh là tội "Đào nhiệm” với tình tiết định tội “Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác…”

Theo Từ điển Tiếng Việt “Đào nhiệm là trốn đi, bỏ nhiệm vụ”, như vậy thuật ngữ đào nhiệm có thể hiểu gồm hai nội dung “Trốn tránh nhiệm vụ và bỏ nhiệm vụ”.

Theo khoản 1 Điều 18 Luật Cán bộ, công chức, quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ: “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao”. Khoản 1 Điều 19 Luật Viên chức năm 2010 quy định về những việc viên chức không được làm: “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao”.

Như vậy trong quy định tại khoản 1 Điều 363 BLHS chỉ quy định hành vi “từ bỏ nhiệm vụ” mà không quy định hành vi khác như trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ đây đều là những hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mặc dù có quan điểm cho rằng các hành vi trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ cũng được xem là từ bỏ nhiệm vụ. Tôi không đồng tình với quan điểm này vì chỉ cụ thể hóa trong luật mới có cơ sở để xử lý, chế tài nghiêm khắc, các hành vi có dấu hiệu như nhau nhưng chỉ một hành vi từ bỏ nhiệm vụ bị xử lý hình sự còn các hành vi không bị xử lý hình sự là bất hợp lý.

Thứ hai, tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” quy định trong điều luật được hiểu như thế nào? Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn. 

Thứ ba, về hình phạt bổ sung trong quy định tại khoản 3 Điều 363 trong tội “Đào nhiệm” quy định “Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định”, nhưng trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 BLHS quy định về hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” như vậy quy định tại khoản 3 Điều 363 là chưa đầy đủ và còn thiếu cụm từ “Cấm hành nghề hoặc làm công việc”.

Kiến nghị, hoàn thiện

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 363 tội “Đào nhiệm”, cụ thể: “Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ, trốn tránh hoặc thoái thác nhiệm vụ công tác…”

Thứ hai, đối với tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” hướng dẫn như sau:

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào cũng là việc rất phức tạp. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng ta có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001.

Thứ ba, tại khoản 3 Điều 363 tội “Đào nhiệm” sửa đổi, bổ sung như sau: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiết nghĩ cần có các văn bản hướng dẫn quy định hướng xử lý nghiêm khắc hơn mang tính răn đe đối với các hành vi đào nhiệm.

TRẦN VĂN HÙNG

Thẩm phán TAQS Khu vực Quân khu 4

Nguồn: Luật sư Việt Nam

1548

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn