1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 169 BLHS thì: “1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Theo đó, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người khác làm con tin do người từ đủ tuổi theo quy định của BLHS, có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là tài sản của người bị bắt cóc hoặc tài sản của người khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 BLTTHS, thì người bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Do vậy, người bị hại trong vụ án về “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” chắc chắn phải là người bị bắt cóc và người bị yêu cầu đưa tài sản dù đó là tài sản của người bị bắt cóc hay là tài sản của họ. Bởi lẽ, nếu là tài sản của người bị yêu cầu đưa tài sản, thì họ là người vừa bị thiệt hại về tinh thần vừa bị thiệt hại về vất chất do hành vi phạm tội gây ra; trường hợp tài sản bị yêu cầu là tài sản của người bị bắt cóc, thì người bị yêu cầu đưa tài sản ít nhất cũng là người bị tổn thất về tinh thần. Như vậy, hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt là hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên (là người bị bắt cóc và người bị yêu cầu đưa tài sản).
2.Những vấn đề chưa rõ ràng
Về kỹ thuật lập pháp, thì tại điểm d và đ khoản 2 Điều 169 BLHS quy định phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” và “đối với 2 người trở lên” là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Và theo logic ngôn ngữ, thì có thể hiểu:
- Phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đối với người dưới 16 tuổi là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bắt cóc người dưới 16 tuổi nhằm chiếm đoạt tài sản của người từ đủ 16 tuổi trở lên; Bắt cóc người từ đủ 16 tuổi trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của người dưới 16 tuổi. Vậy trong hai trường hợp đó, trường hợp nào là tình tiết định tội, trường hợp nào là tình tiết định khung hình phạt hay tất cả đều là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt?
Theo chúng tôi, thì trường hợp bắt cóc người từ đủ 16 tuổi trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của người dưới 16 tuổi hoặc nhằm chiếm đoạt tài sản của người từ 16 tuổi trở lên là tình tiết định tội. Còn bắt cóc người dưới 16 tuổi nhằm chiếm đoạt tài sản của người từ đủ 16 tuổi trở lên là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
- Phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đối với 2 người trở lên là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Bắt cóc từ 2 người trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của một người; Bắt cóc một người nhằm chiếm đoạt tài sản của từ 2 người trở lên. Vậy có phải cả hai trường hợp nêu trên đều là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt phạm tội “đối với 2 người trở lên” hay không?
Theo chúng tôi, trường hợp bắt cóc từ 2 người trở lên nhằm chiếm đoạt tài sản của một người chắc chắn là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt phạm tội “đối với 2 người trở lên”. Cho nên, bắt cóc nhiều người (trong đó có một người hoặc tất cả là người dưới 16 tuổi, thì áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại các điểm d (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi) và điểm đ (phạm tội đối với 2 người trở lên) khoản 2 Điều 169 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp bắt cóc một người nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người, nếu không coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “đối với 2 người trở lên” thì cũng đã có cơ chế để xử lý. Đó là giá trị tài sản bị chiếm đoạt quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS.
- Ngoài việc quy định không rõ ràng về ngôn ngữ tình tiết phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” và “đối với 2 người trở lên”, Điều 169 BLHS còn không quy định các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là không đầy đủ. Bởi lẽ, thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung, phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nói riêng gây ra không chỉ là giá trị tài sản bị chiếm đoạt, tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà còn có thể là thiệt hại vật chất và phi vật chất khác.
Ví dụ: Do muốn làm hại kinh tế của người khác mà người phạm tội đã bắt cóc một người và yêu cầu người thân của người bị bắt cóc phải đưa tài sản. Giả sử tài sản bị yêu cầu là thuốc phòng chống cúm gia cầm (trị giá 30.000.000 đồng) mà người bị yêu cầu đưa tài sản đang cần để phòng chống dịch cho đàn gia cầm của gia đình. Vì để giải phóng người thân nên họ đã đưa số thuốc phòng chống cúm gia cầm (nêu trên) cho người phạm tội và hệ quả là đàn gia cầm (có giá trị 150.000.000 đồng) bị chết. Như vậy, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra không chỉ là số tài sản bị yêu cầu (trị giá 30.000.000 đồng) mà còn là thiệt hại vật chất là đàn gia cầm (có giá trị 150.000.000 đồng) bị chết. Hành vi phạm tội trong trường hợp này rõ ràng là nguy hiểm hơn hành vi bắt cóc chiếm đoạt được số tiền là 30.000.000 đồng và cần xử lý nặng hơn, căn cứ vào quy định nào khi cả Điều 52 và Điều 169 BLHS đều không quy định “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
Như vậy, mặc dù tại Điều 169 BLHS đã quy định những tình tiết sau đây là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Làm chết người; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”
Tuy nhiên, các tình tiết: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm chết người mới chỉ thể hiện được thiệt hại về tính mạng, sức khỏe với nghĩa là một dạng thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Tình tiết gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng chỉ mới biểu đạt được một dạng thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra.
3.Kiến nghị
Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi Điều 169 BLHS như sau:
“Điều… Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Bắt cóc người dưới 16 tuổi;
đ) Bắt cóc 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây hậu quả rất đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Nguồn: Tạp chí Tòa án