22/07/2022 08:29

Bàn về tình tiết dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người

Bàn về tình tiết dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn việc đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm này, tuy nhiên trong thực tiễn có nhiều tình huống gây thương tích trong thực tiễn xảy ra nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên khó xử lý.

Tình tiết dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn khác có khả năng gây nguy hại cho nhiều người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS là tình tiết định tội, quy định trên có hai trường hợp:

Thứ nhất: Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm.

Hung khí nguy hiểm được quy định tại mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn một số quy định của BLHS:

“3. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLHS

3.1. Tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS

"Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp "dùng hung khí nguy hiểm".

Tại mục 2 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS xác định:

“2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự

2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).

2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

  1. Về công cụ, dụng cụ

Ví dụ: Búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

  1. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra

Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

  1. Về vật có sẵn trong tự nhiên

Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”

Nghiên cứu quy định của các văn bản trên nhận thấy khái niệm hung khí nguy hiểm tồn tại trên hai dạng:

Dạng thứ nhất đó là các công cụ, dụng cụ, vũ khí, vật do con người chế tạo ra.

Dạng thứ hai đó là các vật có sẵn trong tự nhiên.

Đặc tính của các hung khí nguy hiểm trên đó là các vật đặc định, không thể tự di chuyển nếu không có sự tác động của con người và khi được con người sử dụng theo ý chí của mình gây ra thương tích thì xác định đó là hung khí nguy hiểm. Như vậy, điểm mấu chốt để xác định vũ khí, công cụ, dụng cụ…trở thành hung khí nguy hiểm được quy định trong Bộ luật hình sự phụ thuộc vào mục đích sử dụng của con người.

Thứ hai: Thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người như đốt cháy, đầu độc, bắn vào chỗ đông người. Thủ đoạn là do người phạm tội thực hiện, do đó tính chất nguy hiểm phụ thuộc vào hành vi phạm tội chứ không phụ thuộc vào phương tiện mà người phạm tội sử dụng.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có một số trường hợp gây thương tích cho người khác nhưng không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn khác nhưng luật không quy định.

Ví dụ: Nguyễn Văn A do có mâu thuẫn với Hoàng Văn B nên có ý định gây thương tích cho B. Ngày 17/3/2022 Nguyễn Văn A đã sử dụng chó Pitbun đã được huấn luyện ra lệnh tấn công B, chó Pitbun của A đã thực hiện theo lệnh của A đã xông vào cắn nhiều nhát vào các vùng trên cơ thể của B gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 38%. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này, chó Pitbull mà Nguyễn Văn A sử dụng có được xác định là hung khí nguy hiểm hay không?

Chó Pít bull trong trường hợp trên là một loại động vật sống, có thể tự di chuyển mà không cần có sự tác động từ con người nếu đối chiếu với các quy định của Nghị quyết số 02/2003 ngày 17/4/2003 và 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 thì chó Pitbull không phải là hung khí nguy hiểm, tuy nhiên, trong trường hợp trên chó Pitbll đã có hành vi gây ra thương tích theo ý chí của con người, nhưng do không có văn bản hưởng dẫn nên rất khó xác định đây là hung khí nguy hiểm. Trong thực tiễn hiện nay con người đã huấn luyện các loại động vật như chim đại bàng, rắn độc, chó, sư tử, hổ…đây là các loài động vật tự nhiên nhưng qua bàn tay huấn luyện của con người đã có thể thực hiện theo ý chí của người đó, các loại động vật này khi thực hiện theo mệnh lệnh thì có thể gây ra thương tích hoặc chết người và gây thiệt hại về tài sản. Vấn đề này gây hoang mang cho dư luận, vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn thi hành để trong thực tiễn áp dụng cho phù hợp.

Từ những sự phân tích trên cần có văn bản hướng dẫn thi hành đối với việc sử dụng các loại động vật theo ý chí con người để gây thương tích hoặc tính mạng cho người khác là một tình tiết định tội để xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người sử dụng các động vật này, để tránh việc bỏ lọt tội phạm.

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Toà án

5341

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]