15/10/2021 14:38

Bàn về tình tiết “người bị hại cũng có lỗi” trong vụ án hình sự

Bàn về tình tiết “người bị hại cũng có lỗi” trong vụ án hình sự

“Người bị hại cũng có lỗi” được quy định là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đây là tình tiết giảm nhẹ được hướng dẫn áp dụng cho khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.

Qua thực tiễn hoạt động xét xử có thể thấy rằng, tình tiết tiết “Người bị hại cũng có lỗi” được phân tích và áp dụng dưới hai góc độ: Một là áp dụng để xem xét và quyết định mức hình phạt đối với bị cáo; hai là xem xét để quyết định hợp lý mức bồi thường thiệt hại (nếu có) giữa bị cáo và người bị hại. Trong từng vụ án cụ thể, việc áp dụng được chia ra làm hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất, đối với bị cáo bị xét xử về tội phạm với lỗi cố ý

 Trong trường hợp này cần phân biệt rõ đâu là lỗi của bị hại và đâu là lỗi của bị cáo để tránh việc áp dụng không đúng tình tiết này. Bởi nếu bị cáo đang bị xét xử về tội phạm với lỗi cố ý thì người bị hại chỉ có thể có lỗi trong vi phạm pháp luật khác với hành vi vi phạm của bị cáo.

Ví dụ: A, B đang ngồi uống nước tại quán X thì thấy C chạy xe máy ngang qua rồ ga, lạng lách trước quán nhiều lần. Do vậy A thấy khó chịu, bực tức nên đã lấy đá ném vào C làm C ngã xe, tỷ lệ tổn thương cơ thể 11%. Trong vụ án này A phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo Điều 134 BLHS. Vấn đề cần phân tích ở đây là tình tiết “Người bị hại cũng có lỗi” được áp dụng như thế nào. Nếu áp dụng tình tiết này trong quá trình xem xét đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định mức hình phạt cho bị cáo là không chính xác; điều này sẽ dẫn đến việc giảm nhẹ quá nhiều mức hình phạt cho bị cáo. Bởi vì người bị hại (C) trong vụ án trên chỉ có lỗi trong vi phạm pháp luật khác mà cụ thể là hành vi vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng. Rõ ràng lỗi trong hành vi của C không có mối liên hệ gì với lỗi trong hành vi của A, mà đây là hai lỗi tách biệt nhau về mặt pháp lý. Hơn nữa tình tiết này cũng sẽ không được áp dụng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại; bởi ở đây C không thể nào tự gây thương tích, gây thiệt hại cho chính bản thân mình.

Như vậy, đối với vụ án mà bị cáo đang bị xét xử về tội phạm với lỗi cố ý thì tình tiết “Người bị hại cũng có lỗi” không được áp dụng trong quá trình xem xét đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định mức hình phạt và không áp dụng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS bởi lẽ tình tiết này sẽ không có ảnh hưởng quá nhiều đến việc giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo.

* Trường hợp thứ hai, đối với bị cáo bị xét xử về tội phạm với lỗi vô ý

Đối với trường hợp này, tình tiết "người bị hại cũng có lỗi" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xem xét áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo bởi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo phụ thuộc rất lớn vào “tỉ lệ lỗi” của người bị hại trong vi phạm pháp luật đang xem xét. Bên cạnh đó tình tiết này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng để giải quyết vấn đề bồi thường dân sự; bởi theo khoản 4 Đều 585 BLDS về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.

 Ví dụ: Phạm Văn T điều khiển xe ô tô chạy đường dài, do mệt nên T tấp vào lề đường, dừng xe, tắt máy nhưng không bật đèn cảnh báo, không đặt để vật cảnh báo cho các phương tiện lưu thông khác biết mà lên cabin xe ngủ. Lúc đó anh Nguyễn Văn C điều khiển xe mô tô chạy từ phía sau đến, do không làm chủ được tốc độ nên đã tông vào đuôi xe của anh T gây ra tai nạn. Hậu quả anh C bị thương và tử vong sau đó tại bệnh viện. TAND Tp X đã xử phạt Phạm Văn T về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 260 BLHS với mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo. Trong vụ án này Toà án đã áp dụng tình tiết “Người bị hại cũng có lỗi” để xem xét và quyết định mức hình phạt; bên cạnh đó về nội dung bồi thường thiệt hại, căn cứ vào tỉ lệ lỗi của bị hại để quyết định mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo là hợp lý, bởi vì người bị hại cũng có lỗi trong việc không làm chủ được tốc độ dẫn đến gây tai nạn.

Như vậy, đối với vụ án mà bị cáo đang bị xét xử về tội phạm với lỗi vô ý thì tình tiết “Người bị hại cũng có lỗi” được áp dụng trong quá trình xem xét đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định mức hình phạt và áp dụng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Không áp dụng là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS; bởi lẽ yếu tố này nếu được xem xét trong quá trình phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều trong việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo so với việc chỉ xem đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trên đây là nội dung nghiên cứu và quan điểm của tác giả, rất mong được quý đồng nghiệp và đọc giả tham gia thảo luận, góp ý.

BÙI VIẾT VINH (Toà án Quân khu 5)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

5888

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn