Thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính bao gồm việc xem xét lại bản án hoặc các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án dưới hình thức phiên toà và xét lại quyết định sơ thẩm dưới hình thức phiên họp. Toà án cấp phúc thẩm xem xét tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, xét xử lại vụ án về mặt nội dung. Những chủ thể liên quan đến kháng cáo, kháng nghị có quyền tham gia phiên toà hoặc phiên họp phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án cấp phúc thẩm ra bản án hoặc quyết định cần thiết khác để giải quyết vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án hoặc ngày ra quyết định. Bên cạnh những mặt tích cực, quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (LTTHC) về thủ tục phúc thẩm đặc biệt là thủ tục phúc thẩm đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị còn một số hạn chế, bất cập.
1.Về trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện vụ án hành chính tại giai đoạn phúc thẩm.
1.1.Tình huống cụ thể
Tình huống 1: Ông Nguyễn Văn A kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm số 01/2021/QĐST-HC ngày 01/02/2021 của Tòa án. Tại phiên họp phúc thẩm, ông A rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Trường hợp này có thể thấy rằng, việc rút đơn khởi kiện là quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong vụ án hành chính. Nếu trong trường hợp ông A rút đơn khởi kiện tại giai đoạn sơ thẩm thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 LTTHC nhưng giai đoạn phúc thẩm thì tùy trường hợp mà Tòa án phải xử lý khác.
Cụ thể, khoản 1 Điều 234 LTTHC quy định: “Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy trường hợp giai đoạn phúc thẩm, thì việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện lại phụ thuộc vào ý kiến của người bị kiện, của các đương sự khác, tức là việc rút đơn đó không phải là điều kiện đương nhiên để Tòa án cấp phúc thẩm ban hành quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính mà giải quyết như sau: (a.) Nếu người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện. (b) Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”.
Trường hợp này buộc Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không đối với việc rút đơn khởi kiện của ông A.
Tuy nhiên, Điều 226 LTTHS quy định:
“Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa, không phải triệu tập đương sự
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa trong các trường hợp sau đây:
a) Xét kháng cáo, kháng nghị quá hạn;
b) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 của Luật này; xét kháng cáo, kháng nghị về phần án phí;
c) Xét kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
2. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng xét xử không phải triệu tập đương sự, trừ trường hợp xét kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 2 Điều 208 của Luật này hoặc cần nghe ý kiến của họ. Nếu người được triệu tập vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.”
Căn cứ theo quy định trên thì khi Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên tòa khi giải quyết đối với việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, cũng không bắt buộc phải triệu tập đương sự (không bắt buộc có mặt đương sự).
Như đã phân tích ở phần trên thì tại giai đoạn phúc thẩm, khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi ý kiến của người bị kiện. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì không triệu tập đương sự. Điều 234 LTTHC cũng chưa đề cập đến cách xử lý của Tòa án phúc thẩm khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện tại phiên họp nhưng Tòa án không thể thực hiện việc hỏi ý kiến của người bị kiện và các đương sự vì những người này đều không có mặt trong phiên họp phúc thẩm. Những thiếu sót này sẽ làm cho Tòa án lúng túng khi xử lý tình huống, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.
Mặt khác, đối với trường hợp người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện trước khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Đặt vấn đề rằng Thẩm phán có thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án hay không. Bởi nếu đương sự rút đơn khởi kiện tại giai đoạn sơ thẩm thì Thẩm phán giải quyết vụ án có thẩm quyền đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 221 LTTHS thì không cho Thẩm phán quyền được hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Cụ thể Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa chỉ được ra một trong các quyết định sau đây: a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
1.2 Kiến nghị sửa đổi
Đối với các tình huống nêu trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 234 LTTHC như sau:
- Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và trước khi mở phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán phải hỏi người bị kiện và các đương sự khác có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
+ Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện và tiếp tục đưa vụ án ra xét xử theo quy định;
+ Người bị kiện và các đương sự khác đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
- Tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện và các đương sự khác có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
+ Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện;
+ Người bị kiện và các đương sự khác đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp tại phiên tòa mà người bị kiện, các đương sự khác vắng mặt không có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa thì Tòa án sẽ tạm ngừng phiên tòa để lấy ý kiến của họ và quyết định theo điểm a, b của Luật này khi phiên tòa được mở lại.
+ Tại phiên họp xét các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải sẽ tạm ngừng phiên họp để lấy ý kiến của người bị kiện và các đương sự khác có đồng ý hay không và giải quyết tương tự như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện tại phiên tòa phúc thẩm.
Có vấn đề cần quan tâm là, nếu trong tình huống 1 mà đồng thời với việc rút đơn khởi kiện, ông A cũng rút đơn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm, thì tại giai đoạn phúc thẩm Tòa án cần áp dụng Điều 234 LTTHC hủy quyết định sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án hay áp dụng Điều 229 Luật tố tụng hành chính đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Bởi lẽ, hậu quả của 2 hành vi tố tụng trên là khác nhau.
2.Về trường hợp giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án.
Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án (lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan trước mới giải quyết được vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 141 LTTHC), trong thời hạn luật định, do không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, người khởi kiện có đơn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý và đang xem xét đối với kháng cáo của đương sự thì Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ không còn; sau đó tại phiên họp phúc thẩm, đương sự kháng cáo cũng rút kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ của tòa án cấp sơ thẩm.
Tại cấp phúc thẩm có hai quan điểm về việc áp dụng pháp luật để ra phán quyết đối với kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát.
Quan điểm thứ nhất: Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo kháng nghị, khoản 5 Điều 243 LTTHS quy định tại khoản 5: Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền: (a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án. Đối chiếu với quy định trên thì không có quy định về việc đương sự rút kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, do đó Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét kháng cáo của đương sự để ra các quyết định cuối cùng theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 243 LTTHS chứ không được đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
Quan điểm thứ hai: Do tại phiên họp phúc thẩm đương sự rút toàn bộ kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét, do vậy Hội đồng phúc thẩm cần áp dụng Điều 229 của LTTHS để đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
Trường hợp phát sinh, đương sự giữ nguyên yêu cầu kháng cáo (Viện kiểm sát vẫn giữ kháng nghị), nhưng trước khi Tòa án cấp phúc mở phiên họp thì Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án (quyết định này đã được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát), như vậy quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đã được thay thế, và không còn giá trị pháp lý, các hoạt động tố tụng đã được tiếp tục, do vậy việc giữ nguyên, hủy hay sửa quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm không còn ý nghĩa và không cần thiết, nên Hội đồng phúc thẩm áp dụng Điều 229 LTTHS để đình chỉ xét xử phúc thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.
Với hai quan điểm trên thì quan điểm 2 có phần hợp lý hơn bởi tính chất của xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Quyết định tạm đình chỉ vụ án không phải là quyết định phán quyết cuối cùng, tuy nhiên cũng là một trong các quyết định tố tụng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành trong quá trình giải quyết vụ án và đương sự có quyền kháng cáo. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị là quyền của đương sự, của Viện kiểm sát; việc rút kháng cáo của đương sự hoặc rút kháng nghị của Viện kiểm sát có thể xảy ra trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định; Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 229 LTTHC.
Như vậy, đối chiếu các quy định của LTTHC thì trong mọi trường hợp đương sự có kháng cáo sau đó rút kháng cáo (việc rút kháng cáo là tự nguyện), Viện kiểm sát rút kháng nghị thì về nguyên tắc Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Do vậy, tại tình huống pháp lý nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm việc giải quyết kháng cáo (kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án là đảm bảo các quy định pháp luật và cũng đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt của đương sự.
Điều 243 LTTHS đã quy định đầy đủ thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị; Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 243 LTTHS lại không đưa ra tình huống pháp lý nếu đương sự rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải áp dụng căn cứ nào để ban hành quyết định đình chỉ phúc thẩm. Đây là một trong các vướng mắc, khó khăn, dẫn đến còn có quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật khi xem xét theo trình tự phúc thẩm việc giải quyết kháng cáo (kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án. Do vậy cần có những quy định bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm khắc phục và hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này.
3. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong việc ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án
Về vấn đề này, qua nghiên cứu thấy rằng giữa các điểm của khoản 1 Điều 229 và khoản 3 Điều 229 LTTHC còn nhiều hạn chế, thiếu logic. Bất cập này liên quan đến quy định chưa rõ trong quy định tại khoản 1 Điều 234 với khoản 5 Điều 243. Cụ thể khoản 1 Điều 234 quy định người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết vụ án.
Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 243 của LTTHS quy định về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Theo đó, khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền: a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.” Như vậy, trường hợp người khởi kiện đồng thời là người kháng cáo rút yêu cầu khởi kiện tại phiên họp phúc thẩm xét quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và được người bị kiện đồng ý thì điều luật không quy định Hội đồng xét xử được quyền hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là thiếu sót. Dẫn đến việc gây lúng túng cho Thẩm phán khi gặp trường hợp như trên. Do đó, tác giả kiến nghị, khi sửa đổi LTTHC trong thời gian sắp tới thì cần bổ sung thêm một điểm nữa tại khoản 5 Điều 243 và điểm đó nên có nội dung là hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Nguồn: Tạp chí điện tử Tòa án