08/11/2021 14:27

Bàn về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp kết án sai tội danh

Bàn về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp kết án sai tội danh

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về sửa bản án sơ thẩm, trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp. Tại Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm. Bên cạnh đó, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Trước đây, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 5 mục VI Thông tư liên tịch số 01/TTLT/TANDTC-VKSNDTC ngày 08/12/1988 của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định chỉ những bị cáo bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt, tăng mức bồi thường, áp dụng hình phạt bổ sung hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn, thì Tòa án cấp phúc thẩm mới có quyền xét xử theo hướng đó đối với họ.

Khi xét xử phúc thẩm bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực theo hướng tăng hình phạt, cần chú ý nếu chỉ có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt, thì Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh hoặc quân khu chỉ được tăng trong khung hình phạt, mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng, không được chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn.

Nếu kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu áp dụng khung hình phạt khác nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn, những vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng khung hình phạt hoặc tội danh nặng hơn đó để xét xử bị cáo. Nhưng nếu khung hình phạt nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực rồi chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp để Viện Kiểm sát làm lại cáo trạng và Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm lại cho đúng thẩm quyền.

Như vậy, nếu kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu áp dụng tội danh khác nặng hơn, những vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự Khu vực, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng tội danh nặng hơn đó để xét xử bị cáo.

Tuy nhiên, hướng dẫn này có còn phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nữa không?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về sửa bản án sơ thẩm, trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp. Tại Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm. Bên cạnh đó, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Ví dụ như B. bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 (khung hình phạt 5-12 năm tù), Tòa cấp sơ thẩm xử phạt B. 7 năm tù theo tội danh Viện Kiểm sát truy tố. Sau khi xét xử sơ thẩm bị hại kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo” khoản 3 Điều 174 (khung hình phạt 7-15 năm tù) và tăng hình phạt đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm nếu có đủ căn cứ thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 được không?

Đối với vụ án trên thì có các quan điểm cho rằng:

Quan điểm thứ nhất

Mặc dù, Thông tư liên tịch số 01/TTLT/TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 nhưng các Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1990, năm 1992, năm 2003 về cơ bản các quy định về giới hạn xét xử; sửa, hủy bản án sơ thẩm của các Bộ luật này không có thay đổi nên hướng dẫn của Thông tư liên tịch này vẫn phù hợp.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn, đã đưa các nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/TTLT/TANDTC-VKSNDTC vào điều luật. Vì vậy, đối với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Thông tư liên tịch này có ý nghĩa tham khảo. Nên với vụ án trên, HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm và kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quan điểm thứ hai

HĐXX phúc thẩm chỉ sửa án sơ thẩm, kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ để Viện Kiểm sát truy tố lại về tội nặng hơn và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; Viện Kiểm sát vẫn giữ tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự đã truy tố và Tòa án sơ thẩm vẫn xét xử bị cáo về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như Viện Kiểm sát truy tố.

Sau khi xét xử sơ thẩm bị hại kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo. Hồ sơ đã đầy đủ về chứng cứ, rõ ràng về hành vi, có căn cứ để xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự; quyền bào chữa bảo đảm.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đủ căn cứ để xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự; quyền bào chữa không bảo đảm thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại về tội nặng hơn và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; Tòa án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như Viện Kiểm sát truy tố. Sau khi xét xử sơ thẩm bị hại kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo. Nếu có căn cứ thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm.

Quan điểm thứ ba

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể trong mọi trường hợp “Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm” theo Điều 358 đều phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Thì vụ án trên phải hủy để điều tra, xét xử lại.

Trên cơ sở những quan điểm đã phân tích ở trên, tác giả đồng tình với quan điểm giải quyết thứ 2. Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm kết án sai tội danh thì cơ quan liên ngành trung ương cần nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này trong từng trường hợp cụ thể để thực hiện một cách dễ dàng, tránh oan sai, sót lọt tội phạm. 

NGUYỄN TỨ

Thẩm phán Tòa án Quân sự Quân khu 2

Nguồn: Luật sư Việt Nam

5589

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn