1.Quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì vấn đề đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự không được quy định là một tiêu chí, điều kiện để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án lần đầu khi đã đủ điều kiện về thời gian chấp hành án tại trại và có nhiều tiến bộ, cụ thể: Khoản 1 Điều 58 BLHS quy định như sau: 1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân.”.
Tuy nhiên, đến BLHS năm 2015 thì ngoài 2 tiêu chí được xác định để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu thì người bị kết án phạt tù phải (1) đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và (2) có nhiều tiến bộ thì người bị kết án phải thỏa mãn tiêu chí thứ (3), đó là: “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015: “1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”.
Đây là một bổ sung hoàn toàn mới, cần thiết góp phần thu hồi tài sản, khắc phục hậu do hành vi phạm tội của người bị kết án gây ra cho người bị thiệt hại.
2.Nhận thức áp dụng
Việc vận dụng áp dụng thế nào thì mặc dù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật của các Cơ quan tư pháp Trung ương hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Hiện nay, có một văn bản duy nhất đó là Công văn số 64/TANDTC-PC “Về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính” ngày 3/4/2019 của TANDTC tại mục 1 phần I có hướng dẫn tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu: Đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, theo quy định và hướng dẫn tham khảo áp dụng như trên, chúng ta phải xác định thống nhất nhận thức chung đó là: Đối với người bị kết án để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lần đầu sẽ phải chia ra 2 trường hợp:
Một là, nếu khi xét xử mà người bị kết án bị kết án theo BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 20009) thì khi người bị kết án đã chấp hành án phạt tù một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ sẽ được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà không cần tiêu chí “đã thực hiện được ½ nghĩa vụ dân sự”;
Hai là, nếu người bị kết án bị xét xử và kết án theo BLHS năm 2015 thì khi người bị kết án đã chấp hành án phạt tù một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ sẽ được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cần phải thỏa mãn điều kiện thứ (3), đó là: “đã thực hiện được ½ nghĩa vụ dân sự”, thì mới được xem xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu.
Việc, chia ra 2 trường hợp như trên là căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015, cụ thể: “2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”. Do vấn đề điều kiện “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự” là một tiêu chí mới hạn chế phạm vi áp dụng đối với giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu nên tiêu chí này về nguyên tắc sẽ không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3.Thực tiễn áp dụng
Phạm nhân Nguyễn Văn A bị kết án 12 năm tù (tính từ ngày tạm giữ 01/01/2017 về tội: “Lừa đảo chiếm đoat tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015. Theo quyết định của bản án thì về nghĩa vụ dân sự buộc bị cáo phải BTTH cho bị hại 1,6 tỷ đồng; đã bồi thường 800.000.000 đồng; còn phải bồi thường 800.000.000 đồng. Phải thực hiện nghĩa vụ án phí dân sự 36.000.000 đồng và 200.000 án phí hình sự. Qúa trình chấp hành án phạt tù phạm nhân Nguyễn Văn A đã rất cố gắng vận động gia đình thực hiện được một 100.000.000 đồng nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và thực hiện xong toàn bộ án phí hình sự và dân sự. Tính đến đợt xét giảm 30/4/2021 phạm nhân Nguyễn Văn A đã chấp hành được trên 1/3 mức án phạt (cụ thể đã chấp hành án phạt tù được 4 năm 3 tháng); có đủ năm xếp loại từ Khá trở lên, cụ thể 2 năm 2019, 2020 và quý 1 năm 2021: xếp loại cải tạo Khá. Trại đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu cho phạm nhân với mức 8 tháng.
Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết thì vấn đề phạm nhân có đủ điều kiện để được chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu hay không, thì có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Phạm nhân Nguyễn Văn A không đủ điều để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu. Vì mặc dù phạm nhân A đã chấp hành được trên 1/3 mức án phạt tù; có nhiều tiến bộ, cụ thể đã đủ thời gian xếp loại từ Khá trở lên, cụ thể là 02 năm. Tuy nhiên trong quá trình chấp hành án việc thực hiện nghĩa vụ dân sự mới thực hiện xong được nghĩa vụ án phí dân sự và hình sự nhưng mới chỉ thực hiện được bồi thường ở mức 1/8 nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Do vậy, không thỏa mãn khoản 1 Điều 63 BLHS nên Tòa án không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân do không đủ điều kiện về việc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Phạm nhân Nguyễn Văn A đủ điều kiện để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Vì, ngoài tiêu chí về điều kiện đã chấp hành án phạt từ được 1/3 mức án phạt; có đủ thời gian xếp loại từ Khá trở lên, cụ thể là 02 năm: 2019 và năm 2020 và đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự mặc dù ít hơn ½ nghĩa vụ phải thực hiện (phải thực hiện 800.000.000 nghĩa vụ BTTH đã thực hiện được 100.000.000 đồng). Trong khi đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà A phải thực hiện là 1,6 tỷ đồng (đã bồi thường trước xét xử 800.000.000 đồng; còn phải bồi thường tiếp 800.000.000 đồng, đã bồi thường được 100.000.000 đồng) và đã thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ án phí với tổng số tiền là 36.200.000 đồng). Như vậy, nếu tính tổng bồi thường ở các giai đoạn khác nhau thì phạm nhân Nguyễn Văn A đã bồi thường được ½ nghĩa vụ.
Vì vậy, kể cả trong trường hợp vận dụng hướng dẫn Công văn 64 cũng không trái. Kể cả trong trường hợp hiểu nghĩa vụ bồi thường chỉ được tính ở giai đoạn chấp hành án thì theo khoản 1 Điều 63 BLHS chỉ quy định “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự” mà hiểu thế nào là “một phần” là ½ hay 1/8 … thì cũng đều là một phần. Mặc dù, Công văn 64 có hướng dẫn là phải thực hiện được nghĩa vụ dân sự ½ hoặc là có văn bản miễn giảm hay thỏa thuận khác của bị hại thì dù thực hiện ít hơn ½ mới đủ điều kiện. Tuy nhiên, lập luận cho quan điểm này cho rằng: “Công văn 64 không phải là văn bản quy phạm pháp luật” mà chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo nội bộ của Tòa án nên việc áp dụng khoản 1 Điều 63 BLHS chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Nguyễn Văn A là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Qua 2 quan điểm về việc có chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu cho phạm nhân Nguyễn Văn A không? Theo quan điểm cá nhân của người nghiên cứu thì ủng hộ và mặt nhận thức áp dụng đối với quan điểm thứ nhất, đó là phạm nhân Nguyễn Văn A chưa thỏa mãn điều kiện tiêu chí về đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu tình huống trên tác giả cho rằng có vấn đề chưa hợp lý ở chỗ việc chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân cần căn cứ:
Thứ nhất, việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải đảm bảo tính nhân đạo, khách quan công bằng, có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật;
Thứ hai, phải căn cứ vào thực tế thời gian đã chấp hành mức án phạt; có nhiều tiến bộ được đánh giá ở kết quả xếp loại cải tạo của phạm nhân ở Trại có đủ số kỳ xếp loại cải tạo từ Khá trở lên theo quy định; còn điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” thì chúng ta cần xem xét trong khả năng, điều kiện thi hành án của phạm nhân. Nếu phạm nhân có điều kiện, có khả năng, có tài sản chung, riêng để thi hành thì việc tính đây là một điều kiện, một tiêu chí là phù hợp. Tuy nhiên, nếu phạm nhân không có điều kiện và khả năng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại dù phạm nhân có tác động tới gia đình nhưng gia đình cũng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự hay cũng chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự nhưng trong quá trình chấp hành án ở Trại phạm nhân luôn có ý thức cải tạo tiến bộ, hối lỗi, tích cực phấn đấu hoàn lương; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế Trại và đủ kỳ xếp loại Khá theo quy định. Vì phạm nhân chưa thực hiện xong nghĩa vụ dân sự nên theo quy định thì xếp loại dù có được khen thưởng trong chấp hành án phạt tù thì cũng không được xếp loại cải tạo Tốt cho nên việc lập hồ sơ và mức đề nghị xét giảm phải thấp hơn đối với phạm nhân được xếp loại cải tạo Tốt.
Do vậy, việc thực hiện xong hay ½ mức nghĩa vụ dân sự chỉ là một trong những yếu tố để đánh giá việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân đó tiến bộ ở mức nào khá hay Tốt trong xếp loại và cụ thể mức cao hay thấp theo quy định chứ không phải là yêu cầu bắt buộc để có xem xét lập hay không lập hồ sơ chấp nhận hay không chấp nhận giảm cho phạm nhân.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 274 BLDS 2015 thì: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án. 2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;”. Như vậy, chúng ta thấy đối với án phí, hình phạt tiền hay các khoản thu khác cho Nhà nước thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án; còn, đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại thì người được bồi thường phải có đơn yêu cầu thi hành án trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành thì Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền mới ra Quyết định thi hành án theo quy định, quá thời hạn trên coi như người phải thi hành án không phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án (Điều 30 Luật Thi hành án dân sự). Do vậy, theo nội dung hướng dẫn của Công văn 64 cũng chưa bao hàm hết trường hợp phạm nhân có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nhưng người được bồi thường đã không yêu cầu bồi thường và đã hết thời hiệu thì trường hợp này phạm nhân không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Thêm vào đó, người bị kết án trong nhiều trường hợp không chỉ có nghĩa vụ bồi thường mà có cả vấn đề thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; vấn đề hoàn trả, bồi hoàn, trả lại…. thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi chỉ hướng dẫn quy định đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” như trên là chưa bao quát hết.
4.Kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, từ những phân tích trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 63 BLHS theo một trong 02 hướng sau: Một là, bỏ từ “bồi thường” mà chỉ quy định là: “... đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự”. Hai là, “đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự”. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng nên bỏ từ “bồi thường” ở điểm e khoản 2 Điều 38 Luật Thi hành án hình sự mà quy định cụ thể là “e. Tài liệu chứng minh kết quả thực hiện nghĩa vụ dân sự của người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” có như vậy, mới bao quát hết các trường hợp và phù hợp với thực tiễn;
Thứ hai, trong trường hợp chưa sửa đổi, bổ sung BLHS được thì TANDTC cần chủ trì phối hợp với các Cơ quan Tư pháp ở Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về các nội dung trong giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong đó có tiêu chí “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” theo khoản 1 Điều 63 BLHS theo hướng: bỏ từ “bồi thường” thay vào đó là từ “thực hiện”, cụ thể: “Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã thực hiện được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án thực hiện được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự” và bổ sung thêm các trường hợp, người bị kết án không có điều kiện, khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng đã rất cố gắng vận động gia đình, người thân… để thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự (đối với trường hợp này không cần phải ít nhất ½ nghĩa vụ dân sự) thì cũng được xem xét đánh giá là “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự”. Và, thời điểm tính thực hiện nghĩa vụ dân sự tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Có như vậy, mới đảm bảo tính khách quan, công bằng khuyến khích phạm nhân thi đua lao động, cải tạo và chấp hành án./.
Nguồn: Tạp chí Tòa án