04/12/2020 15:38

Bàn về những quy định định giá tài sản trong tố tụng dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm

Bàn về những quy định định giá tài sản trong tố tụng dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm

Vấn đề định giá tài sản trong tố tụng dân sự và thực tế thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự tại Toà án hiện nay đã được một số tác giả phản ánh, tôi xin nêu một số quan điểm của mình về vấn đề này qua thực tiễn xét xử các vụ án dân sự ở cấp sơ thẩm.

1.Thay đổi của pháp luật

Thủ tục định giá tài sản trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Xét tính chất pháp lý thì việc định giá tài sản trong các vụ án dân sự nói chung (trong đó bao hàm cả về các vụ án Dân sự, Hôn nhân & gia đình, Kinh doanh thương mại và Lao động) là khâu bắt buộc của Thẩm phán khi tiến hành xem xét, giải quyết các vụ án có liên quan đến tài sản đang tranh chấp và là yếu tố cốt lõi để giải quyết vụ án đúng pháp luật, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ án vẫn còn nhiều bất cập, gây lúng túng khi Thẩm phán tiến hành giải quyết vụ án dân sự, nếu vụ án có tranh chấp về giá trị, chủng loại tài sản cần định giá thì việc định giá tài sản để giải quyết vụ án mang yếu tố bắt buộc, trừ trường hợp các đương sự không yêu cầu Tòa án định giá tài sản mà họ tự thỏa thuận về giá trị, chủng loại tài sản bằng văn bản và Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận về việc thỏa thuận khối tài sản đó.

Từ ngày 01/01/2005, ngày Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (PLTTGQCVADS), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (PLTTGQCVAKT), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (PLTTGQCTCLĐ) còn hiệu lực thì việc Tòa án thành lập Hội đồng định giá tài sản để định giá tài sản trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 PLTTGQCVADS, điểm e khỏan 2 điều 37 PLTTGQCTCLĐ, điểm e điều 35 PLTTGQCVAKT. Trong đó quy định: Trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động nếu các bên đương sự có tranh chấp về tài sản mà Tòa án xét thấy để đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật thì Tòa án chủ động thành lập Hội đồng định giá, trong đó đại diện Tòa án, Viện kiểm sát tham dự cuộc họp của Hội đồng định giá là với vai trò giám sát, chứ không phải là thành viên của Hội đồng định giá, không tham gia biểu quyết về giá. Việc biểu quyết về giá cả tài sản tranh chấp hoàn toàn thuộc quyền các thành viên của Hội đồng định giá bao gồm đại diện cơ quan tài chính, vật giá, các cơ quan chức năng khác và bắt buộc phải có mặt các bên đương sự. Các đương sự có quyền phát biểu ý kiến việc định giá nêu ra, nhưng quyền quyết định cuối cùng về giá là thuộc Hội đồng định giá. Các đương sự phải chịu chi phí định giá cho việc định giá tương ứng với phần tài sản được phân chia. VKSND cùng cấp có quyền tham gia ở bất cứ giai đoạn tố tụng và các phiên tòa dân sự.

 Nhưng từ khi BLTTDS năm 2004 đến BLTTDS năm 2015 ra đời và có hiệu lực thi hành thì khi định giá tài sản Tòa án phải ra bằng “Quyết định định giá tài sản”, trên cơ sở yêu cầu của các đương sự hoặc Tòa án thấy các bên thỏa thuận với nhau hoặc tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá, thì Tòa án tiến hành thành lập Hội đồng định giá tài sản.

Về tính chất pháp lý của việc định giá tài sản là hoàn toàn khác so với PLTTGQCVADS, PLTTGQCVAKT và PLTTGQCTCLĐ; Tòa án thành lập Hội đồng định giá trên cơ sở có yêu cầu của đương sự và khi Hội đồng định giá tiến hành định giá các đương sự có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá hay không đó là quyền của các đương sự, Tòa án chỉ có trách nhiệm thông báo trước về địa điểm, thời gian Hội đồng định giá tiến hành định giá, cơ quan VKSND cùng cấp không được mời tham gia chứng kiến việc định giá tài sản, còn việc Hội đồng tiến hành định giá đưa ra mức giá đối với tài sản tranh chấp vừa là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Đối với quy định trong các Pháp lệnh trước đây thì khi Hội đồng định giá tiến hành định giá, thì bắt buộc phải có mặt của các đương sự. Đây là điểm khác biệt giữa BLTTDS với PLTTGQCVADS, PLTTGQCVAKT và PLTTGQCTCLĐ.

2.Quy định mới

Theo quy định tại Điều 21 BLTTDS năm 2015 thì các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại và lao động sơ thẩm VKSND cùng cấp sẽ không tham gia phiên tòa, trừ trường hợp các vụ án có khiếu nại về thu thập chứng cứ. Trong trừ trường hợp nếu quá trình giải quyết vụ án các đương sự đã thống nhất với nhau về giá trị tài sản tranh chấp nhưng Tòa án tiến hành định giá tài sản tranh chấp đó, với lý do các bên thỏa thuận với nhau hoặc tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá. Nếu các đương sự không đồng ý với quyết định định giá tài sản của Tòa án thì các đương sự có quyền khiếu nại quyết định này, lúc này VKSND cùng cấp sẽ tham gia phiên tòa. Điều này được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/9/2005 (hướng dẫn BLTTDS năm 2004) tại mục II, tiểu mục 1, quy định như sau: “ 1- Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS, đối với các vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ đó của Tòa án, thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.

1.1- Những vụ án dân sự đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án bao gồm :

a) Những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS (nay khoản 3 Điều 97 BLTTDS năm 2015);

b) Những vụ án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS, nhưng Tòa án tự mình tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 87, khoản 1 Điều 88 và điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS ( nay Điều 99, 100, 104 BLTTDS năm 2015).”

Theo quy định tại khỏan 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định về việc định giá như sau :

 “3. Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;

c) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.”

Tại Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của HĐTP-TANDTC thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây: “a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự vì lý do các bên không thỏa thuận được về giá của tài sản đang tranh chấp; b) Các đương sự thỏa thuận về giá của tài sản đang tranh chấp, nhưng có căn cứ rõ ràng chứng minh rằng mức giá mà các bên đương sự thỏa thuận thấp hơn khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với tài sản cùng loại, nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.

Trong trường hơp Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại thì việc định giá tài sản lại chỉ được thực hiện khi một hoặc các bên đương sự có yêu cầu. Việc định giá tài sản lại được thực hiện theo thủ tục chung ...”

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các vụ án dân sự cho thấy: Khi vụ án dân sự bị cấp “giám đốc thẩm, tái thẩm” hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để giải quyết lại trong đó có việc phải thành lập Hội đồng định giá tài sản thì tài sản có thể không còn do đã thi hành án xong và bị bán hoặc bị biến dạng, hư hỏng, thất lạc, thay đổi rất nhiều so với ban đầu … đương sự trong vụ án không hợp tác gây khó khăn khi giải quyết lại vụ án, nên việc định giá tài sản hoặc thẩm định giá lại rất khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

Khi Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản mà các đương sự tranh chấp hoặc yêu cầu, thì Hội đồng định giá tài sản cần phải căn cứ vào giá trị tài sản giao dịch, chuyển nhượng thực tế tại địa phương để xem xét định giá khối tài sản cần định giá. Điều này tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của HĐTP-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, được đề cập tại mục 12 như sau : “Chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn (Các điều 95, 96, 97 và 98).

Việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn phải theo đúng các nguyên tắc được quy định tại Điều 95. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các quy định tại Điều 86, Điều 97, Điều 98 tương ứng. Tuy nhiên, cần chú ý : Việc xác định giá trị khối tài sản chung của vợ chồng hoặc phần giá trị mà họ phải thanh tóan, họ được hưởng là căn cứ vào giá giao dịch thực tế tại địa phương vào thời điểm xét xử.”

Cũng tại Công văn số 92/2000/KHXX ngày 21/7/2000 của TANDTC, hướng dẫn về việc xác định giá quyền sử dụng đất mục 1, có nêu: “1- Khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế có liên quan đến việc xác định gía quyền sử dụng đất, thì Tòa án chấp nhận giá do các bên đương sự thỏa thuận với nhau, nếu sự thỏa thuận đó không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 7 Bộ luật Dân sự ( nay là các điều 2,3 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Trong trường hợp các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau, thì giá quyền sử dụng đất được xác định được xác định theo giá thực tế chuyển nhượng tại địa phương nơi có đất đang tranh chấp đối với từng loại đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm.” 

Mặc dù, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP và Công văn số 92/2000/KHXX là những văn bản ban hành từ khi PLTTGQCVADS, PLTTGQCVAKT và PLTTGQCTCLĐ có hiệu lực, nhưng đến thời điểm hiện nay các văn bản trên vẫn giữ nguyên tính giá trị pháp lý của nó và được các TAND địa phương vận dụng để giải quyết các vụ án.

Đối với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015, về việc Tòa án tiến hành thành lập Hội đồng định giá tài sản đang tranh chấp trong trường hợp:Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá… hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá”, là không mang tính thực tế và việc xác định như thế nào là thỏa thuận mức giá thấp so với thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá cũng chưa quy định rõ ràng, đây là một vấn đề mà các Thẩm phán giải quyết các vụ án có tranh chấp về tài sản đang băn khăn, khi giải quyết các vụ án có tranh chấp về tài sản.

3.Vướng mắc cần tháo gỡ

Ngày 12/01/2019 chị Nguyễn Thị A có đơn xin ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn với anh Trần Văn B. Chị A với anh B chung sống với nhau có đăng ký kết hôn tại UBND xã X, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc nào khác.

- Về con chung, gồm 02 con: Trần Văn C, Trần Thị D.

- Về tài sản chung, gồm :

+ 02 căn nhà cấp 4 đã được UBND huyện  C, tỉnh G cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại tổ dân phố 8 và 10 thị trấn C, huyện C, tỉnh G.

+ 02 xe máy ( có giấy tờ đăng ký xe môtô).

Ngoài ra còn có một số tài sản khác.

Chị A làm đơn khởi kiện có kê khai tổng giá trị tài sản của chị A và anh B là 600.000.000 đồng, có xác nhận và được chính quyền địa phương xác nhận, phù hợp với giá do UBND tỉnh G quy định. (Anh B thống nhất giá giá chị A đưa ra)

- Về nợ chung: Vợ chồng chị A, anh B không nợ ai.

- Về nợ riêng: Anh B phải bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng cho UNND huyện C, tỉnh G.”

Sau khi có đơn xin ly hôn, tranh chấp về nuôi con, và chia tài sản khi ly hôn, TAND huyện C, tỉnh G tiến hành giải quyết vụ án. Qua thụ lý vụ án Thẩm phán giải quyết vụ án xác định về phần hôn nhân và con cái của chị A với anh B là đúng. Tuy nhiên, việc chị A với anh B xác định khối lượng giá trị, chủng loại tài sản của vợ chồng có giá trị 600.000.000 đồng là có mức giá đúng theo khung giá UBND tỉnh G quy định, nhưng lại thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng tại địa phương. Quá trình giải quyết vụ án, UBND huyện C, tỉnh G chỉ yêu cầu Tòa án buộc anh B phải trả nợ số tiền trên.

Trong trường hợp này Thẩm phán giải quyết vụ án có quyền ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản để định giá khối tài sản mà chị A với anh B tranh chấp hay không ? Theo quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán có quyền này, nhưng do quá trình giải quyết vụ án các đương sự trong đó có UBND huyện C, tỉnh G không có ý kiến yêu cầu gì về việc định giá tài sản, nên Thẩm phán giải quyết vụ án sẽ không thể tiến hành định giá, thẩm định tài sản mà là chấp nhận như giá trị tài sản các bên đã thỏa thuận để giải quyết vụ án, điều này không vi phạm tố tụng, vừa đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án được nhanh chóng, phù hợp với quy định của pháp luật (ở đây việc thỏa thuận của chị A với anh B là phù với khung giá mà Chủ tịch UBND tỉnh G quy định đối với khối tài sản của chị A và chị B). Đối chiếu với quy định tại Điều 2 BLDS năm 2015 Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự là hoàn tòan có tính thiết phục để chấp nhận. Trên thực tế thì việc công nhận, giải quyết của Thẩm phán trong vụ án trên có thể gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, thực tiễn giải quyết, xét xử các loại án dân sự thì vấn đề thẩm định, định giá tài sản vẫn còn rất nhiều vướng mắc như:

- Hội đồng thẩm định, định giá ban hành kết luận về giá không phù hợp thực tế: Hội đồng định giá trong tố tụng dân sự do Tòa án thành lập bao giờ cũng cũng định giá tài sản tranh chấp ở mức thấp hơn hoặc chỉ ở mức tương đối so với giá thực tế tài sản chuyển nhượng tại địa phương. Nếu đương sự có khiếu nại thì Hội đồng định giá lần 2 vẫn kết luận về giá trị tài sản mà Hội đồng định giá lần 1 là đúng.

- Quy định chi phí hợp lý để thẩm định, định giá tài sản: Có nhiều vụ án giá trị tài sản tranh chấp thấp nhưng chi phí thẩm định, định giá lớn, nhất là các vụ tranh chấp đất đai ở vùng sâu, vùng xa, các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số…

- Sự phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan chuyên môn thẩm định, định giá tài sản cùng cấp trên địa bàn để cử thành viên tham gia thành lập Hội đồng định giá; hậu quả pháp lý khi vụ án để kéo dài, với lý do thiếu thành viên trong Hội đồng thẩm định, định giá tài sản.

- Hướng dẫn trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản khi đang có tranh chấp mà các đương sự thỏa thuận theo mức giá thấp “so với khung giá do Nhà nước” nhằm mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba, tại điểm c khoản 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015. (Hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gọi chung là UBND cấp Tỉnh đều ban hành quyết định trong đó đều quy định về khung giá, bản giá các loại tài sản trên địa phương mình).

Nếu các hướng dẫn nêu trên được tháo gỡ, thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng sẽ khắc phục được những sai sót về tố tụng và nội dung vụ án và đủ tính pháp lý, tự tin ban hành các quyết định, bản án khách quan và toàn diện. 

Nguồn: Tạp chí Tòa án

10006

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]