29/03/2021 13:54

Bàn về khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Bàn về khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt do tính chất của vụ án và vì lợi ích của bị hại, cơ quan có thẩm quyền không tự quyết định việc khởi tố mà việc khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo yêu cầu của bị hại. Thực tiễn áp dụng quy định này còn có những vướng mắc cần khắc phục.

1.Quy định của luật

Bộ luật tố tụng hình sự quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nghĩa là cơ quan có thẩm quyền phải nhận được yêu cầu của bị hại mới được khởi tố vụ án, nếu không việc khởi tố này là trái pháp luật. Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với bị hại.

Điều 155 BLTTHS năm 2015 [1] quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều luật của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Khoản 1 nêu các tội danh: Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;  Điều 135 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;  Điều 136 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Điều 138 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 139 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;  Điều 141 Tội hiếp dâm; Điều 143 Tội cưỡng dâm; Điều 155 Tội làm nhục người khác; Điều 156 Tội vu khống; Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Quy định của pháp luật đã cụ thể, rõ ràng nhưng trong thực tiễn áp dụng các quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại còn có vướng mắc, có những quan điểm, cách hiểu khác nhau khi khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất.

2. Vướng mắc khi tiến hành khởi tố, giải quyết vụ án theo yêu cầu của bị hại

Thứ nhất, bị hại không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án

 Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, các vụ án về tội: “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” luôn chiếm tỷ lệ cao trong các tội chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Đối với vụ án cố ý gây thương tích thì yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan điều tra phải xác định được tỷ lệ thương tích của bị hại, bởi chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của bị hại thì cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không thể xử lý được vì bị hại không hợp tác, từ chối giám định để xác định tỷ lệ thương tích gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 đã quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với bị hại không hợp tác, từ chối giám định: Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Đây là biện pháp cưỡng chế nhằm khắc phục trường hợp bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này có vướng mắc đó là: Thực hiện dẫn giải bị hại đi giám định nhưng  bị hại vẫn cương quyết từ chối việc giám định,  tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng với lý do có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, vì vậy việc giám định không thể tiến hành được.

Thứ hai, giới hạn giải quyết vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại

Trường hợp vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu khởi tố vụ án, những người còn lại không yêu cầu khởi tố vụ án do nhiều nguyên nhân khác nhau đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định những người không yêu cầu khởi tố vụ án có được coi là bị hại không, trường hợp này có khởi tố vụ án hình sự hay không. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ không bảo vệ được quyền, lợi ích của người bị hại có yêu cầu khởi tố và ngược lại nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bị hại không có yêu cầu khởi tố. Giải quyết vấn đề này có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu khởi tố vụ án, những người còn lại không yêu cầu thì không khởi tố vụ án hình sự vì không đảm bảo được đầy đủ tất cả yêu cầu của các bị hại về việc khởi tố vụ án, do đó không thể khởi tố vụ án. Quan điểm thứ hai cho rằng: Chỉ cần có yêu cầu khởi tố vụ án của một hoặc một số bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.

 Quan điểm của tác giả: Trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra và giải quyết toàn diện các vấn đề trong vụ án, xác định đầy đủ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, phải đặt lợi ích của tất cả bị hại bên cạnh lợi ích của từng bị hại cũng như lợi ích chung của xã hội trong việc xử lý hành vi phạm tội.

Thứ ba, trường hợp vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số người phạm tội trường hợp này cơ quan điều tra có khởi tố tất cả người phạm tội hay không? Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố đối với tất cả bị can như thế mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bị hại. Quan điểm thứ hai: Cơ quan điều tra phải tôn trọng quyền tự định đoạt của bị hại, chỉ giải quyết đối với bị can bị bị hại yêu cầu khởi tố, không giải quyết đối với bị can không bị bị hại yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự.

Quan điểm của tác giả: Trường hợp này cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án và khởi tố tất cả các bị can, bởi vì theo quy định “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại”, bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, không có quyền yêu cầu khởi tố bị can mà thẩm quyền thuộc về cơ quan điều tra. Khi đã khởi tố thì vụ án phải được giải quyết công bằng và nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tất cả các bị can đều phải bị xem xét trách nhiệm pháp lý, đối với việc bị hại không yêu cầu khởi tố đối với bị can nào sẽ xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can đó.

Thứ tư, bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại giai đoạn xét xử phúc thẩm xử lý như thế nào?

Điều 155 BLTTHS năm 2015 không giới hạn quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại; bị hại có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc giai đoạn xét xử phúc thẩm, vấn đề là cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết yêu cầu của bị hại một cách hợp lý, đúng quy định pháp luật.

 Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định “trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ”. Quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn điều tra, truy tố, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm. Căn cứ, thủ tục đình chỉ vụ án trong các trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 230; khoản 1 Điều 248 và khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015. Thực tế có thể phát sinh trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Khi bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm sẽ khó khăn cho cấp phúc thẩm trong vấn đề xử lý, bởi lẽ các quy định về xét xử phúc thẩm của BLTTHS năm 2015 không đề cập đến vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố và hướng giải quyết yêu cầu như thế nào? Sau đây, tác giả phân tích từng trường hợp cụ thể:

Trường hợp thứ nhấtbị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Trường hợp này Toà án phải giải thích cho bị hại về hậu quả của việc rút yêu cầu khởi tố và Tòa án vẫn phải mở phiên tòa xét xử vụ án, không thể đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS như đối với thủ tục xét xử sơ thẩm được. Bởi lẽ, thủ tục xét xử phúc thẩm không quy định đình chỉ vụ án mà chỉ có đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu Tòa án căn cứ vào việc rút yêu cầu của bị hại để đình chỉ xét xử phúc thẩm thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, khi đó việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại sẽ không có ý nghĩa, người phạm tội vẫn phải chấp hành hình phạt theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Trường hợp thứ hai, bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm. Trường hợp này Tòa án cũng không đình chỉ vụ án như tại phiên tòa sơ thẩm, về nguyên tắc và thủ tục tố tụng, Tòa án phải căn cứ vào khoản 2 Điều 155; điểm d khoản 1 Điều 355 BLTTHS năm 2015 để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, đối chiếu Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định về căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án lại không có trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án. BLTTHS không quy định cụ thể vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm dẫn đến quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại được luật quy định, nhưng khi quyền này được thực hiện trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng lại không có cơ sở pháp lý để giải quyết đúng theo nguyên tắc, thủ tục xét xử phúc thẩm.

3. Đề xuất, kiến nghị

Qua nghiên cứu khởi tố, giải quyết vụ án theo yêu cầu của bị hại, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ nghĩa vụ của bị hại trong việc giám định thương tích; trình tự, thủ tục, điều kiện dẫn giải bị hại đi giám định thương tích nếu bị hại từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất thực hiện các trường hợp: Vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu khởi tố vụ án, những người còn lại không yêu cầu khởi tố vụ án; vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số bị can, bị cáo.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc bổ sung thêm khoản 3 Điều 359 BLTTHS năm 2015 căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

“1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

2. Khi có một trong những căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

3. Khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.”

Ths LÊ ĐÌNH NGHĨA (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1]Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đối về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

11276

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]