16/07/2021 13:42

Bàn về định tội danh theo Điều 341 Bộ luật Hình sự

Bàn về định tội danh theo Điều 341 Bộ luật Hình sự

Hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và khá phổ biến trong công tác xét xử các vụ án hình sự. Tuy BLHDS năm 2015 quy định khá rõ ràng, và đây không phải những hành vi mới xuất hiện, nhưng thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn và không thống nhất khi xác định tội danh trong các vụ án cụ thể.

Hành vi phổ biến là bị cáo sử dụng giấy tờ giả hoặc làm giả và sử dụng giấy tờ này để gian dối và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn những ý kiến khác nhau khi xác định tội danh. Có quan điểm cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do hành vi sử dụng giấy tờ giả được thu hút vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đó được coi là thủ đoạn gian dối để đạt được mục đích chiếm đoạt. Quan điểm khác thì cho rằng, bị cáo ngoài tội danh trên còn phải bị xét xử về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” do hành vi sử dụng giấy tờ giả đã cấu thành tội danh độc lập. Có quan điểm nêu, bị cáo phải bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” mới đúng và đầy đủ.

Theo chúng tôi, để có được thống nhất về nhận thức và áp dụng chính xác pháp luật, cần phân tích kỹ càng đồng thời quy định của BLHS trên phương diện lý luận cơ bản và các hậu quả pháp lý sẽ phát sinh khi truy tố, xét xử. Cụ thể:

Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 8 BLHS: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự,…”. Theo định nghĩa căn bản nhất của BLHS thì một hành vi khi có đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội và đã được BLHS quy định là một tội phạm cụ thể thì cần phải được xử lý hình sự, từ đó quyết định hình phạt đối với người thực hiện hành vi để đảm bảo rằng bất kỳ hành vi nào có tính nguy hiểm đến mức đáng kể cho xã hội, đã được BLHS quy định thì phải phát sinh hậu quả pháp lý tương ứng (trong các trường hợp thông thường) là hình phạt.

Như vậy, khi người phạm tội thực hiện một chuỗi các hành vi nhằm đạt được mục đích của mình là chiếm đoạt tài sản, cần tách bạch trong chuỗi các hành vi đó, hành vi nào đã có tính chất nguy hiểm đáng kể phải bị xử lý hình sự, bằng cách định danh pháp lý chính xác từng hành vi đó là tội phạm cụ thể nào hoặc là hành vi nào trong hành vi khách quan tổng thể của tội phạm cụ thể.

Ví dụ như trường hợp người phạm tội sử dụng giấy tờ giả để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được thừa nhận, thì bản thân hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đã phản ánh tính nguy hiểm đến mức đáng kể và đã được BLHS quy định cụ thể tại Điều 341. Do vậy, ngoài tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội còn phải bị xét xử về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” mới đảm bảo tất cả các hành vi nguy hiểm được xử lý đầy đủ, triệt để.

Về quan điểm cho rằng, hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả là thủ đoạn gian dối trong hành vi khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’’, do đó cần được xác định là đã thu hút vào tội phạm này. Theo chúng tôi, nếu chỉ xác định những hành vi đó là thủ đoạn cấu thành hành vi lừa đảo thì không phản ánh được đầy đủ tính chất nguy hiểm của chúng. Bởi bản thân hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật (chiếm đoạt) đã cấu thành một tội phạm độc lập, thể hiện tính chất nguy hiểm đáng kể đến mức phải xử lý hình sự mà BLHS đã quy định tại một điều luật về tội phạm cụ thể. Vì vậy nếu thu hút hành vi trên vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ đồng nghĩa với việc bỏ lọt hành vi nguy hiểm cho xã hội mà đáng ra phải xử lý nghiêm.

Thứ hai, nguyên tắc: Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi mà họ đã thực hiện. Theo đó, người phạm tội chỉ có hành vi làm giả giấy tờ thì tương ứng chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, người phạm tội chỉ thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo chúng tôi, khác với các điều luật quy định về các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán như Điều 191 “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” hoặc các Điều luật tương tự tại Bộ luật hình sự, việc tên Điều 341 được thể hiện có dấu “;” ở giữa và từ “Tội” trước mỗi hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả chính là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng định tội danh tương khớp với hành vi phạm tội trong trường hợp người phạm tội chỉ thực hiện một trong hai hành vi: Làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả.

Thứ ba, trường hợp người phạm tội thực hiện hai hành vi khách quan cùng được quy định trong một điều luật về tội phạm cụ thể, mà hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau, hành vi sau mang tính kế tiếp, gắn bó chặt chẽ với hành vi trước thì cần xác định một tội danh duy nhất bao hàm đồng thời cả hai hành vi này. Việc áp dụng như trên để đồng thời đảm bảo tội danh được tuyên đúng theo quy định của BLHS, phản ánh, bao hàm đầy đủ các hành vi khách quan, đồng thời đảm bảo việc chỉ quyết định một hình phạt với một hành vi khách quan tổng thể mà không gây bất lợi cho bị cáo.

Có thể dẫn chứng như trường hợp bị cáo làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng giấy trên để thế chấp vay ngân hàng thì ngoài tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cần thiết phải xét xử cả hai hành vi làm giả và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả về một tội danh chung là Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, từ đó chỉ quyết định một hình phạt đối với các hành vi này của bị cáo. Tránh trường hợp người tiến hành tố tụng tách bạch hai hành vi trên thành hai tội danh “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, từ đó quyết định hai hình phạt và tổng hợp lại gây bất lợi cho bị cáo, và theo chúng tôi là áp dụng chưa đúng tinh thần điều luật cụ thể chỉ quy định một loại tội phạm cụ thể, mà không phải đưa hai tội phạm cụ thể về trong cùng một điều luật.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật đối với những vụ án tương tự, cần cụ thể trong từng vụ án:

Trường hợp bị cáo chỉ có hành vi làm giả để cung cấp cho đối tượng khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trường hợp bị cáo chỉ có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả (không có hành vi làm giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị truy tố, xét xử về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Trường hợp bị cáo có hành vi làm giả, sau đó sử dụng giấy tờ giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật cần bị truy tố, xét xử về tội danh đầy đủ là “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Trường hợp bị cáo có hành vi sử dụng giấy tờ giả để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp bị cáo có các hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả này để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trên đây là một số nội dung qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự còn gặp vướng mắc. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi từ các đồng nghiệp.

TRẦN HOÀNG GIANG (Thẩm tra viên chính TAQSTW)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

6865

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]