11/12/2021 14:36

Bàn về áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên

Bàn về áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những căn cứ để Tòa án đưa ra quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

1. Những lý luận chung

Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về việc Tòa án áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi phải thỏa mãn một số điều kiện. Cụ thể như sau: Tại mục 5.1 của Nghị quyết có quy định chỉ áp dụng tình tiết này khi có đủ các điều kiện sau:

“Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích

Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính…”.

Tuy đây là văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và chưa có văn bản thay thế nhưng xem xét giữa hai bộ luật thì không thấy có sự khác biệt và giữ nguyên mục đích khi quy định tình tiết này. Vì vậy, các Tòa án vẫn áp dụng quy định trong hướng dẫn này để giải quyết các vụ án có tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Khi áp dụng tình tiết này cần lưu ý hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp này không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi việc phạm tội là một nghề kiếm sống được. Ở trường hợp này, người phạm tội xem hành vi phạm tội là phương tiện kiếm sống.

Tình tiết phạm tội 02 lần trở lên

Tình tiết này được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Đây là trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 48 BLHS 1999 việc sử dụng thuật ngữ phạm tội nhiều lần không thể xác định rõ nhiều lần ở đây là bao nhiêu? Các cơ quan áp dụng pháp luật bắt buộc phải xem những văn bản dưới luật để giải quyết. Nay BLHS 2015 không sử dụng thuật ngữ phạm tội nhiều lần nữa mà chuyển qua là phạm tội hai lần trở lên. Bản chất hai thuật ngữ này như nhau, sở dĩ nhà làm luật sử dụng thuật ngữ phạm tội hai lần trở lên nhằm thống nhất với quy định “số hóa”  với các quy định khác trong Bộ luật này. Phạm tội hai lần trở lên có thể hiểu là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi đấy đã đủ các yếu tố để cấu thành một tội phạm độc lập.

2. Phân biệt tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên

- Về cơ sở pháp lý: Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS 2015, được giải thích chi tiết trong mục 5.1 Điều 5 Nghị định 01/2006/NQ-HĐTP. Còn đối với tình tiết phạm tội 02 lần trở lên được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Ngoài ra, các tình tiết này còn được quy định với vai trò là tình tiết định khung tăng nặng ở một số tội.

- Về tần suất phạm tội và tội phạm thực hiện: Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội từ 05 lần trở lên, trong khi đó, số lần thực hiện tội phạm thỏa mãn để áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là từ 02 lần trở lên. Và tất cả các hành vi phạm tội trên phải là cùng một tội phạm.

- Về lỗi: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là lỗi cố ý, còn phạm tội 02 lần trở lên có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

- Về động cơ, mục đích phạm tội: Khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên không bắt buộc xem xét động cơ, mục đích của người phạm tội. Trong khi đó, động cơ, mục đích phạm tội là điều kiện bắt buộc trong tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Cụ thể, người phạm tội phải lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

- Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự: Không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích (nghĩa là người phạm tội đã bị truy cứu TNHS lần nào chưa là không bắt buộc) thì đều có thể áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Để áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên bắt buộc các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu TNHS.

3. Sự trùng lặp khi áp dụng hai tình tiết trên

Qua sự so sánh ở trên ta thấy được: phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên có nhiều điểm tương đồng nhau đặc biệt là ở tiêu chí người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (mức độ tăng nặng của hai tình tiết này phụ thuộc vào số lần mà người đó phạm tội), tuy nhiên, điểm khác nhau giúp phân biệt hai tình tiết này đó là động cơ phạm tội. Đối với tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì động cơ, mục đích phạm tội phải là người phạm tội phải lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Trong khi đó đối với tình tiết phạm tội 02 lần trở lên thì không bắt buộc động cơ, mục đích như trên, tức là, động cơ, mục đích này có hay không có đều thỏa mãn tình tiết này. Như vậy, sẽ có trường hợp phạm tội 02 lần trở lên cũng là trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Ví dụ: Nguyễn Văn A. thực hiện hành vi hành vi cướp tài sản 06 lần (các lần đều đủ cấu thành tội phạm) đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tài sản trộm được A. mang bán và lấy tiền đó là nguồn sống chính của mình. Như vậy, trong trường hợp này, hành vi phạm tội của A. đều thỏa mãn hai tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên.

Theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì tại điểm a Mục 5.2 quy định:

“Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Ví dụ: B. đã bị kết án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B. lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B. phải bị truy cứu TNHS và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Theo như quy định trên thì sẽ có trường hợp người phạm tội bị áp dụng cùng một lúc hai tình tiết tăng nặng TNHS là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên. Như phân tích ở trên thì theo quan điểm của chúng tôi, việc áp dụng cùng lúc hai tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên sẽ là quá nặng nề, gây bất lợi cho bị cáo cũng như gây chồng lấn nhau giữa các quy định. Do đó, theo tôi trường hợp này chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Điều này còn bảo đảm chính sách nhân đạo của pháp luật.

Trên đây là quan điểm cá nhân, mong bạn đọc nghiên cứu và bình luận.

LÊ NGỌC NAM

Nguồn: Lsvn.vn

4588

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn