15/01/2024 16:52

Bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán bị xử lý thế nào?

Bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán bị xử lý thế nào?

Tôi muốn hỏi thế nào là tiền giả? Bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán bị xử lý thế nào?_Mạnh Hải(Cần Thơ)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thế nào là tiền giả?

Theo quy định Khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN thì tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi in, đúc, phát hành tiền như sau:

- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

- Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.

- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định như sau:

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyền tiền giả;

- Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

- Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

- Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

- Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định về xử lý tiền giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như:

- Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý;

- Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả;

- Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

- Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự đối với hành vi bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán

Những tổ chức, cá nhân cố ý thực hiện hành vi bán tiền giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 207 Bộ Luật Hình sự 2015 thì mức hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:

- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 05 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, theo Điều 389 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

- Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm (nếu người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015).

Như vậy, cá nhân, tổ chức cố ý thực hiện hành vi bán tiền giả dịp Tết Nguyên đán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 05 triệu đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là tù chung thân.

Hứa Lê Huy
367

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]