17/12/2022 16:47

Bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả bị xử lý thế nào?

Bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả bị xử lý thế nào?

Tôi mong Ban biên tập cung cấp cho tôi một số bản án về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm để tôi tham khảo về mức hình phạt đối với tội này _ Uyên (Cần Thơ)

Chào chị, đối với nội dung chị yêu cầu, Ban biên tập xin gửi đến chị một số thông tin sau:

I. Mức hình phạt với tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Hàng giả là gì? 

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “Hàng giả” gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả."

2. Mức hình phạt với tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, khoản 43 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 thì mức hình phạt đối với tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm cụ thể như sau:

"Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”."

II. Một số bản án về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Bản án về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm số 30/2022/HS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

- Trích dẫn nội dung: “T kinh doanh thực phẩm chay từ tháng 4/2018. Để thu lợi nhuận nhiều hơn, đến tháng 02/2021, T bắt đầu mua chả lụa cá của Công ty TNHH MTV Chín Th khối lượng 500g/đòn với giá 37.000 đồng/kg mang về cơ sở sản xuất kinh doanh tiến hành tháo gỡ nhãn của công ty TNHH MTV Chin Thuy bằng 04 loại nhãn như “Chả nấm chay Diễm Tr”, “Chả nấm bào ngư Thanh Đạm”, “Chả chay LA Văn L” và “Chả chay Duyên Tịnh” để sau đó bán ra thị trường với giá cao hơn. Với thủ đoạn như đã nêu, trong khoảng thời gian từ ngày 02/4/2021 đến ngày 20/4/2021, T đã mua 3.215 kg chả lụa cá của Công ty TNHH MTV Chin Thuy về tháo nhãn và gắn 01 trong 04 loại nhãn như đã nêu cụ thể: 257 kg “Chả chay LA Văn L”, 841 kg “Chả nấm chay Diễm Tr”, 153 kg “Chả chay Duyên Tịnh” và 102 kg “Chả nấm bào ngư Thanh Đạm”, còn lại 1.862 kg chả lụa cá T đã tháo nhãn.”

- Kết quả giải quyết: Xử phạt bị cáo Phan Thị Bích T 03 năm tù.

2. Bản án 175/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trích dẫn nội dung: “Nguyễn Hoài H bắt đầu buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm gồm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr và bột giặt giả nhãn hiệu Omo từ tháng 9/2018. Hận mua các hàng hóa giả nhãn hiệu nêu trên của một người đàn ông tên Hiếu (không xác định được nhân thân, lai lịch) rồi mang về bán lại cho các khách hàng xung quanh khu vực bến B, Quận H, Thành phố H. Mục đích để hưởng tiền chênh lệch, cụ thể: Đối với bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g, H mua lại của K với giá là 17.000đ/01 gói, bán lại giá 20.000đ/01 gói. Đối với hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr loại 400g, H mua lại của K với giá là 18.000đ/01 gói, bán lại giá 22.000đ/01 gói; loại 1800g thì mua vào giá là 70.000đ/01 gói, bán ra với giá là 80.000đ/01 gói.”

- Kết quả giải quyết: Xử phạt bị cáo Lê Văn Th 02 năm 06 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

3. Bản án 492/2019/HS-PT ngày 10/07/2019 về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

- Trích dẫn nội dung: “Biết rõ số mì chính mua về để bán có bao bì (nhãn hiệu), trọng lượng không đúng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất (xuất xứ hàng hóa), giá bán thì thấp hơn hàng chính hãng nhưng Đào Thị L vẫn mua để bán kiếm lời. Ngày 18/12/2016, Đào Thị L đã bán 03 gói loại 454gam, 21 gói loại 140 gam đều giả nhãn hiệu mì chính Ajinomoto và 01 gói loại 100 gam giả nhãn hiệu mì chính Miwon cho đối tượng Hồng khám xét nhà Lương còn thu giữ 03 gói loại 01kg và 01 gói loại 140gam đều là mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto.”

- Kết quả giải quyết: Xử phạt Đào Thị L 3.000.000 đồng về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

4. Bản án 160/2019/HS-ST ngày 17/12/2019 về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực thẩm

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

- Trích dẫn nội dung: "Lê Thị L thuê ki ốt số 66, khu A, tầng 1 chợ B thuộc phường L, thành phố P, tỉnh Hà Nam để bán hàng tạp hóa và hàng khô từ năm 2016. Quá trình bán hàng L gặp một người phụ nữ tên Y không rõ nhân thân lai lịch đi tiếp thị chào bán các loại mỳ chính, hạt nêm đóng gói trong các bao bì của các hãng nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn giá nhập hàng chính hãng khoảng 4.000đ đến 6.000đ/gói và bảo hàng của N do người dân tự mua mì chính, hạt nêm của các hãng khác rồi đóng vào các vỏ bao bì giả in sẵn nhãn mác của các hãng nổi tiếng như Knorr, Ajinomoto. Thấy giá thấp hơn giá hàng chính hãng nên L đã mua các gói mì chính Ajinomoto và hạt nêm Knorr giả về bày bán lẫn lộn với mì chính và hạt nêm chính hãng tại quầy hàng của mình, giá bán các loại hàng giả trên bằng tiền hàng chính hãng. Đến khoảng 15 giờ 20 phút ngày 04/5/2019 Lê Thị L đang bán 06 gói mì chính bao bì in chữ Ajinomoto loại 454g/gói và 04 gói hạt nêm bao bì in chữ Knorr loại 1,8kg/gói nghi là hàng giả cho chị Phạm Thị T2. Bán cho Lê Thị U1 01 gói hạt nêm bao bì in chữ Knorr loại 400g/gói, 01 gói mì chính bao bì in chữ Ajinomoto loại 454g/gói..."

- Kết quả giải quyết: Xử phạt: Bị cáo Lê Thị L 27 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 54 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

5. Bản án 57/2018/HS-ST ngày 12/09/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

- Trích dẫn nội dung: “Trần Thị Thu V với mục đích sản xuất nước mắm giả các nhãn hiệu nước mắm đã được đăng ký độc quyền trên thị trường nên trong khoảng thời gian từ cuối tháng 05/2017 đến ngày 15/9/2017 bị cáo V đã thực hiện hành vi làm nước mắm giả mang các nhãn hiệu nước mắm như: “Nam Ngư đệ nhị”; “Nam Ngư siêu tiết kiệm”; “Nam Ngư 3 trong 1”; “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm”; “Thủy Khâm”; “Tám Phú” để bán kiếm lời. Số lượng nước mắm giả do bị cáo V bán được ra thị trường đã thu về được số tiền là: 6.390.000đ, tương đương với giá trị nước mắm hàng thật của các hãng sản xuất bán ra tại thị trường là: 20.306.500đ."

- Kết quả giải quyết: Xử phạt bị cáo Trần Thị Thu V 02 năm 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Nguyễn Sáng
1607

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]