12/10/2021 14:17

Bàn luận về định tội danh đối với tội phạm ma túy

Bàn luận về định tội danh đối với tội phạm ma túy

Các tội phạm về Ma túy hiện đã được quy định cụ thể tại Chương XX BLHS. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật còn gặp một số vướng mắc trong việc xác định tội danh.

Trong vụ án, Nguyễn Văn A là con nghiện, rủ các con nghiện B, C, D về nhà của mình chơi. A đưa cho B 2 triệu đồng để đi mua ma túy về cho A, B, C, D cùng sử dụng tại nhà của A. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với A và B. Tuy nhiên, còn một số quan điểm về tội danh:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong vụ án trên, A, B, C, D đều là con nghiện. Hành vi của A là cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép, thuộc trường hợp quy định tại điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII Các tội phạm về Ma túy của BLHS năm 1999 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch 17/2007): “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”.

Tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch 17/2007 đã bãi bỏ “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” và trong BLHS hiện hành cũng không còn quy định về tội này. Do đó, trong trường hợp này, A và B phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Tuy nhiên, theo tác giả thì quan điểm này còn có chỗ chưa thực sự phù hợp, bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLHS hiện hành và quy định tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 17/2007 thì “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy.

Trong vụ án nói trên, các đối tượng đã mua ma túy (A đưa tiền cho B đi mua) về sử dụng hết ngay tại chỗ, không có ý định tàng trữ, cũng như có hành vi tàng trữ trên thực tế. Do vậy, việc xác định A và B phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là chưa thực sự phù hợp.

Quan điểm thứ hai cho rằng: A và B không phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. A và B cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch 17/2007. Do đó, A và B chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Nếu hiểu và giải thích điểm a mục 6.2 như quan điểm trên thì sẽ dẫn đến trường hợp A và B không bị xử lý hình sự do A, B là con nghiện. Còn nếu A và B không là con nghiện thì lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do vậy, việc hiểu và giải thích điểm a mục 6.2 như các quan điểm trên là chưa phù hợp.

Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Cần phải hiểu quy định tại điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch 17/2007 chỉ áp dụng trong trường hợp số ma túy được sử dụng có sẵn tại nhà A (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có).

Có nghĩa là trong trường hợp A có một lượng ma túy, có thể mua, được người khác cho, nhặt được… mang về cất trong nhà của mình, sau đó rủ B, C, D đến nhà chơi và cùng nhau sử dụng. Lúc này, nếu A, B, C, D là con nghiện thì A và B phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; còn nếu có một người trong số A, B, C, D không là con nghiện thì A và B phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Còn trong trường hợp của vụ án, tại nhà A không có ma túy từ trước, A đưa tiền cho B đi mua ma túy về để A, B, C, D cùng sử dụng tại nhà của mình. Trường hợp này không áp dụng điểm a mục 6.2 như trên, không xét các đối tượng có là con nghiện hay không. Hành vi của A và B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b mục 6.1 Thông tư liên tịch 17/2007.

Xuất phát từ việc nhà làm luật quy định tội danh cho điểm a mục 6.2 là “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy”, tác giả cho rằng hiểu và giải thích như quan điểm thứ ba là hợp lý hơn cả. Việc các đối tượng là con nghiện không phải là yếu tố để loại bỏ việc áp dụng tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Sự khác biệt giữa quy định tại điểm b mục 6.1 va điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch 17/2007 là việc xác định số ma túy được sử dụng có hay không có từ trước.

Trên đây là nghiên cứu, quan điểm của tác giả về việc định tội danh đối với tội phạm Ma túy. Rất mong nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp của quý đồng nghiệp./.

THANH THỊNH (Tòa án quân sự khu vực Hải quân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

2944

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]