Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì " Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong"
Hoạt động buôn bán hàng rong thường được thực hiện bởi cá nhân hoạt động thương mại, độc lập thường xuyên, mà không đăng ký kinh doanh. Việc buôn bán hàng hóa trái phép địa điểm là vi phạm pháp luật và dẫn đến việc bị xử phạt hoặc bị tịch thu hàng hóa. Trong thực tế, một số cơ quan quản lý địa phương hoặc cơ quan thực thi pháp luật địa phương tự định ra mức phạt về buôn bán hàng hóa trái phép địa điểm, chứ không theo quy định pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bán hàng rong, mặc dù họ đã vi phạm pháp luật. Vì thế người bán hàng nên tham khảo trước luật pháp và tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình, nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm bán buôn đúng nơi quy định.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP phạm vi về địa điểm kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại, theo đó nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm sau đây:
- Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác;
- Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế;
- Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển;
- Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
- Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đường bộ và đường thủy;
- Phần đường bộ bao gồm lối ra vào khu chung cư hoặc khu tập thể; ngõ hẻm; vỉa hè, lòng đường, lề đường của đường đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại;
- Các tuyến đường, khu vực (kể cả khu du lịch) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền quy định và có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại;
- Khu vực thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân tuy không phải là khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm sử dụng làm địa điểm kinh doanh theo quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều này nhưng không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc khu vực đó có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại.
Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể các địa điểm mà người bán hàng rong không được kinh doanh theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
tại điểm a khoản 1 Điều 12, Nghị 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, theo đó:
"1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này"
Như vậy, cá nhân buôn bán rong có thể bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo khoản 1 Điều 2 Nghị 100/2019/NĐ-CP, nếu có hành vi buôn bán trên lòng đường đô thi, trên vỉa hè và các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.