08/02/2025 09:25

Bài văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 chuẩn nhất, chi tiết? Cúng Rằm tháng Giêng 2025 giờ nào đẹp?

Bài văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 chuẩn nhất, chi tiết? Cúng Rằm tháng Giêng 2025 giờ nào đẹp?

Văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 chuẩn nhất, chi tiết thế nào? Cúng Rằm tháng Giêng 2025 giờ nào đẹp? Sử dụng văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 có phải là mê tín dị đoan?

Bài văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 chuẩn nhất, chi tiết?

Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu. Rằm tháng Giêng hằng năm là ngày 15 tháng 01 Âm lịch.

Ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Tư, ngày 12 tháng 2 năm 2025 Dương lịch.

Dưới đây, là mẫu bài văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 chuẩn nhất, chi tiết (tham khảo):

Mẫu 1:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tông thần.

Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.

Tín chủ (chúng) con là: ……………………... ngụ tại: ……………………………………………

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Mẫu 2:

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025.

Tín chủ (chúng) con là: ……………………... ngụ tại: ……………………………………………

Chúng con thành tâm có lời kính mời: Nhật cung Thái Dương thiên tử tinh quân; Nam Tào, Bắc Đẩu tinh quân; Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân; Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân; Văn Xương, Văn Khúc tinh quân; Nhị thập bát tú, Ngũ hành tinh quấn; La Hầu, Kế Đô tinh quân giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:

Ngày rằm Nguyên tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.

Đèn trời xán lạn chiếu thắp cõi trần. Xin các tinh quân lưu ân lưu phúc. Lễ tuy mọn bạc, lòng thành có dư. Mệnh vị an cư, thân cung khang thái.

Phục duy cẩn cáo!

Thông tin chỉ mang tính tham khảo./.

Cúng Rằm tháng Giêng 2025 giờ nào đẹp?

Theo quan niệm dân gian, giờ Ngọ (từ 11h đến 13h) được xem là thời điểm lý tưởng để tiến hành lễ cúng Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, gia chủ cũng có thể chọn cúng vào một số khung giờ tốt trong các ngày để cúng rằm tháng Giêng năm 2025:

- Ngày 13/01 Âm lịch - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).

- Ngày 14/01 Âm lịch - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h)

- Ngày 15/01 Âm lịch (Rằm tháng Giêng) - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h)

Thông tin chỉ mang tính tham khảo./.

Sử dụng văn khấn Rằm tháng Giêng 2025 có phải là mê tín dị đoan không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có định nghĩa về hoạt động tín ngưỡng như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

...

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng:

Điều 3. Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng

...

4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.

Như vậy, theo quy định trên thì sử dụng văn khấn trong khuôn khổ hoạt động tín ngưỡng truyền thống nhằm cầu bình an, thể hiện lòng thành và gắn liền với phong tục dân gian không bị coi là mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, nếu văn khấn được sử dụng với mục đích mê tín, trục lợi hay lan truyền những hành vi mê tín dị đoan như cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, xem bói,… theo quy định tại Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL thì hành vi đó sẽ vi phạm pháp luật.

Nguyễn Ngọc Trầm
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]