Cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Lễ cúng này mang ý nghĩa tiễn đưa các vị Táo Quân về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc đã xảy ra trong gia đình trong suốt một năm qua.
Vì vậy, lễ cúng ông Công ông Táo là dịp để gia chủ bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần đã phù hộ cho gia đình trong suốt một năm, đồng thời cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Dưới đây là bài văn khấn cúng Ông Công Ông Táo 2025 chuẩn xác nhất
Mẫu 1: Theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là... ngụ tại...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Mẫu 2: Theo cuốn “Tìm hiểu Phong tục, nghi lễ thờ cúng của người Việt và các bài văn khấn thường dùng” của tác giả Nguyễn Phương.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Hôm nay, ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn. Số nhà..., đệ tử họ tên...
Lòng thành khấn nguyện sắm lễ đầy đủ vật cúng tiễn Táo quân, cầu xin tam vị Táo quân, Táo phủ thần quan, nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, kim vì tín chủ, đệ tử họ tên... (vợ, chồng).
Vái cùng chư vị long thần, ngũ phương cai quản ngôi gia số nhà... độ cho đệ tử năm cũ Giáp Thìn đã hết, năm mới Ất Tỵ sắp bước qua, cung tiễn ngày về tâu qua ngọc đế, năm cũ đã qua, năm mới bước vào, cho con vô sự, mọi điều may mắn, thuận lợi bình an, làm ăn phát đạt, sức khỏe nhẹ nhàng, tiêu trừ bệnh tật, thân tâm an lạc. Cầu nguyện gia đình an vui khỏe mạnh, cuối năm giao thừa, thỉnh rước ngài về ngự trong gia trạch, bảo hộ độ trì một năm an lạc.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Lễ cúng ông Táo là một nghi lễ thiêng liêng, nằm trong chuỗi phong tục tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền, không chỉ mang ý nghĩa lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là dịp để mỗi người Việt Nam thêm trân trọng những giá trị truyền thống quý báu.
Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo sẽ gồm hia, tiền âm phủ, quần áo đều được đốt đi sau khi thực hiện lễ cúng cùng với bài vị cũ. Sau đó, người trong nhà sẽ lập bài vị mới cho Táo công. Quá trình cúng ông Công ông Táo thường được làm trước thời điểm các Táo cưỡi cá chép lên trời, nghĩa là trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm.
Khi hóa đồ mã cần làm chậm rãi, đợi từng thứ hóa gần hết mới hóa đồ tiếp theo. Vừa hóa mã, gia chủ vừa tâm niệm những điều tốt đẹp hoặc lẩm nhẩm niệm Phật. Tro hóa mã nên để nguội, gói kín vứt vào thùng rác để bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, người dân đốt vàng mã vào ngày Ông Công Ông Táo cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Khi đốt vàng mã, nên sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như lò đốt, đặt tại khu vực thoáng đãng, cách xa các vật dễ cháy và không đốt số lượng lớn cùng lúc.
Trong trường hợp người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định khi cúng Ông Công Ông Táo thì theo điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;
b) Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;
c) Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
...
Như vậy, khi đốt vàng mã cúng Ông Công Ông Táo ngoài việc làm đúng theo phong tục truyền thống thì người dân cũng cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật.