Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa dịch bệnh là bệnh gây thành dịch. Theo khoản 13 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. Khoản 1 Điều 2 quy định bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Như vậy, có thể hiểu dịch bệnh là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh này có số người mắc bệnh vượt quá dự tính bình thường trong một khoảng thời gian và ở một khu vực nhất định.
Có thể thấy thiên tai, dịch bệnh có thể mang lại hậu quả vô cùng lớn đối với các khu vực hứng chịu và đối với toàn xã hội. Do đó, việc lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để phạm tội có mức độ nguy hiểm cao hơn so với điều kiện bình thường. Vì vậy, pháp luật đã quy định việc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và định khung hình phạt để tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
BLHS năm 2015 đã quy định lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm l khoản 1 Điều 52, cùng với đó, còn quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ở một số tội xâm phạm sở hữu như Công nhiên chiếm đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,… Để áp dụng tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ hai vấn đề:
Thứ nhất, phải có sự xuất hiện của hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh. Về cơ sở pháp lý, việc xác định có xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay không phải căn cứ vào công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản có liên quan.
Theo đó, Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai quy định thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai gồm: Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý; Thủ tướng Chính phủ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai trong trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương.
Đối với dịch bệnh, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định thẩm quyền công bố dịch như sau: Chủ tịch UBNS cấp tỉnh công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Thiên tai, dịch bệnh có thể diễn ra tại nơi người thực hiện tội phạm đang sinh sống, nơi họ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hoặc diễn ra ở địa phương khác (ví dụ: người thực hiện tội phạm ở tỉnh A, đã lợi tình trạng lũ lụt ở tỉnh B để vận động và chiếm đoạt tiền cứu trợ của các mạnh thường quân). Về thời điểm, có nhiều quan điểm cho rằng chỉ áp dụng được tình tiết tăng nặng này trong trường hợp thiên tai dịch bệnh đang diễn ra trong lúc hành vi phạm tội được thực hiện. Tuy nhiên, theo tác giả, khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trước hoặc sau sự việc phạm tội đều có thể áp dụng tình tiết tăng nặng “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”.
Sở dĩ người thực hiện tội phạm cũng có thể lợi dụng những dự báo về hoàn cảnh khó khăn trước khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra hoặc lợi dụng hậu quả của thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: hành vi găm hàng trước khi thiên tai xảy ra để bán giá cao sau khi thiên tai kết thúc).
Thứ hai, có mối quan hệ nhân quả giữa hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh và hành vi phạm tội. Để áp dụng được tình tiết tăng nặng này, ngoài điều kiện xuất hiện thiên tai, dịch bệnh thì hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh phải tạo ra điều kiện để phát sinh tội phạm. Hay nói cách khác, có thiên tai, dịch bệnh thì mới có thể thực hiện hành vi hoặc hành vi được thực hiện là do sự xuất hiện của thiên tai, dịch bệnh.
Thứ ba, phải có sự lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Sự lợi dụng ở đây có thể hiểu là việc khai thác hoàn cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh để tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Cần phân biệt giữa lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội và phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai dịch bệnh. Phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh thì không có sự liên kết giữa hoàn cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh và điều kiện phạm tội, mặc dù những hoàn cảnh đó vẫn đang diễn ra. Chính vì vậy, không phải hành vi phạm tội nào được thực hiện trong lúc thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra đều bị áp dụng tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội.
Ví dụ: Tại thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn ra và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, A đột nhập vào nhà của B để trộm cắp tài sản. Hành vi của A tuy được thực hiện trong lúc dịch bệnh đang diễn ra nhưng vẫn không thể áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội được. Bởi lẽ A đã không khai thác hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh để phạm tội. Hay nói cách khác, hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh trong trường hợp này không tạo ra điều kiện để A thực hiện hành vi. Hơn nữa, không thể khẳng định nếu không có dịch bệnh xảy ra thì A sẽ không thực hiện hành vi trộm cắp.
Hiện nay, việc áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội còn gặp một số khó khăn nhất định:
Một là, việc quyết định mức tăng nặng trách nhiệm hình sự còn mang tính định tính, chưa rõ ràng. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng trong trường hợp này không những chỉ căn cứ vào hậu quả do hành vi của đối tượng gây ra mà còn căn cứ vào tính chất của thiên tai, dịch bệnh và mức độ khai thác hoàn cảnh khó khăn của đối tượng để phục vụ cho việc phạm tội. Bản thân những người tiến hành tố tụng khó có thể nhận định, đánh giá để quyết định đề nghị áp dụng và áp dụng mức tăng nặng cho phù hợp và tương xứng nhất với hành vi lợi dụng của đối tượng.
Hai là, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào về việc áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội, gây khó khăn cho việc áp dụng. Hiện nay, việc áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh vẫn chưa được thống nhất, nhiều quan điểm khác nhau về điều kiện áp dụng, do đó việc áp dụng chưa đồng bộ hoặc chưa mạnh dạn áp dụng tình tiết này.
Ba là, có sự mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật chuyên ngành với BLHS. Cụ thể, BLHS sử dụng cụm từ “dịch bệnh” để xác định tình tiết tăng nặng, nhưng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm sử dụng tách biệt giữa 02 cụm từ: “bệnh truyền nhiễm” và “dịch” để nêu lên các khái niệm khác nhau. Phải chăng cụm từ “dịch bệnh” được quy định trong BLHS được hiểu là từ hợp nghĩa bao gồm “dịch” và “bệnh truyền nhiễm”? Mặc dù sự mâu thuẫn này không gây nhiều khó khăn về mặc nhận thức cho những người tiến hành tố tụng, nhưng về kỹ thuật lập pháp, đã có sự không thống nhất về sử dụng từ ngữ pháp lý giữa các văn bản pháp luật, dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Bốn là, không thể áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” trong trường hợp không công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp hoặc công bố dịch trong khi trên thực tế sắp có xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Đối tượng có thể phán đoán trước tình hình, lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội trước khi công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp hoặc công bố dịch. Trong khi phải xử lý hậu quả do hành vi lợi dụng trước khi xảy ra tình trạng thiên tai khẩn cấp hoặc công bố dịch để thực hiện hành vi phạm tội. Trong tình hình hiện nay, phải đặt vấn đề phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu, để thực hiện có hiệu quả công tác này phải phòng ngừa tội phạm liên quan đến tình hình dịch, bệnh thì mới đảm bảo.
Liên ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó nhấn mạnh các điều kiện áp dụng, những căn cứ quyết định mức tăng nặng trong việc áp dụng tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội. Từ đó thống nhất việc áp dụng, đảm bảo việc áp dụng được chính xác và phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nhiều sự việc lợi dụng bão lũ để chiếm đoạt tài sản được dư luận xã hội quan tâm.
Về mặt kỹ thuật lập pháp cần điều chỉnh thống nhất từ ngữ pháp lý giữa luật chuyên ngành với BLHS về cụm từ “dịch” và “dịch bệnh” khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trên, nhằm tạo điều kiện thống nhất về mặt pháp lý khi áp dụng cho việc giải quyết các vụ án liên quan đến dịch bệnh.
Cần bổ sung quy định chế định xử lý người phạm tội lợi dụng tình trạng trước khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh khi chưa công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai hoặc công bố dịch để thực hiện hành vi phạm tội, nhằm xử lý loại tội phạm này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay./.