09/11/2023 15:52

Áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng thế nào?

Áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng thế nào?

Tôi muốn hỏi phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại, hợp đồng xây dựng có khác nhau thế nào? “Minh Hoài-Quãng Ngãi”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hợp đồng xây dựng là gì?

Theo Khoản 1 Điều 138 Luật xây dựng 2014 có quy định “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.”

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự và được điều chỉnh bởi Luật xây dựng 2014Bộ luật dân sự 2015.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 thì có thể định nghĩa Hợp đồng thương mại là thoả thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại.

Về bản chất, hợp đồng thương mại cũng là hợp đồng dân sự và được điều chỉnh bởi Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, khác với những loại hợp đồng dân sự khác, chủ thể xác lập của hợp đồng thương mại là các thương nhân hoặc một trong các bên là thương nhân và mục đích của hợp đồng là nhằm mục đích sinh lợi. 

Vì vậy, nếu một hợp đồng xây dựng mà đáp ứng điều kiện về chủ thể xác lập và mục đích của hợp đồng thương mại thì hợp đồng xây dựng đó có thể đồng thời là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005.

2. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

- Tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”

Phạt vi phạm là một trong các biện pháp khắc phục quan trọng, phổ biến thường được quy định trong hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng xây dựng.

Cũng tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 có quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

- Theo Điều 301 Luật thương mại 2005 có quy định mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật thương mại 2005.

- Theo Khoản 2 Điều 146 Luật xây dựng 2014 có quy định "Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm." 

Như vậy, Luật xây dựng 2014 chỉ quy định mức phạt hợp đồng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, không quy định về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước.

Vậy, đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt hợp đồng sẽ được áp dụng theo quy định tại Luật thương mại 2005 hay Bộ luật dân sự 2015?

Tại Công văn 48/BXD-KTXD ngày 03/9/2019 của Bộ xây dựng về giải đáp vướng mắc của một công ty về trường hợp cụ thể liên quan đến công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước mà các bên đã thỏa thuận mức phạt là 20% giá trị hợp đồng. 

Theo đó, Bộ xây dựng đã trả lời trong hợp đồng đã ký kết giữa các bên đã có thỏa thuận “Nếu nhà thầu chậm tiến độ quá 15 ngày thì chủ đầu tư được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhà thầu bị phạt 20% giá trị hợp đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh”. Do đó, trường hợp dự án không sử dụng vốn nhà nước thì các bên áp dụng mức phạt theo hợp đồng xây dựng đã ký kết.”

Như vậy, theo trả lời của Bộ xây dựng thì mức phạt hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Bùi Thị Như Ý
8046

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]