03/02/2024 15:01

Anti là gì? Lập hội anti người khác có bị xử phạt không?

Anti là gì? Lập hội anti người khác có bị xử phạt không?

Tôi bắt gặp rất nhiều hội, nhóm anti ca sĩ, người mẫu... công khai trên các nền tảng xã hội. Vậy việc lập hội nhóm anti người khác có vi phạm pháp luật không? Minh Quân – Nghệ An.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Anti là gì?

Theo từ điển Anh – Việt, từ anti có nghĩa là chống lại, phản đối ai đó hoặc điều gì đó. Ví dụ:

- Anti-virus: phần mềm diệt virus.

- Anti-war: chống chiến tranh.

- Anti-discrimination: chống phân biệt đối xử.

- Anti-fan: Là nhóm người được lập ra trên mạng xã hội nhằm mục đích công kích, nói xấu, hạ bệ một cá nhân, tổ chức hoặc điều gì đó.

Đặc điểm của hội anti:

- Mục đích: Thể hiện sự không thích, ghét bỏ, thậm chí là căm thù đối tượng mục tiêu.

- Hoạt động điển hình của một hội anti:

+ Chia sẻ thông tin tiêu cực, tin đồn thất thiệt, ảnh chế, video nhảm nhí về đối tượng.

+ Sử dụng những lời lẽ xúc phạm, miệt thị, thậm chí là lăng mạ đối tượng.

+ Kêu gọi tẩy chay, cô lập, tấn công đối tượng.

- Hình thức:

+ Nhóm kín trên Facebook, Twitter, Instagram...

+ Kênh YouTube, blog cá nhân…

- Hệ lụy của hội anti:

+ Gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, sự nghiệp của đối tượng mục tiêu.

+ Gây tổn thương tinh thần, thậm chí là trầm cảm cho đối tượng mục tiêu.

+ Gây hoang mang dư luận, tạo nên những luồng ý kiến trái chiều.

+ Góp phần tạo nên môi trường mạng xã hội độc hại, thiếu văn minh.

2. Lập hội anti người khác có bị xử phạt không?

Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như sau:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Do đó, việc lập lập hội, nhóm để bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối một cá nhân, tổ chức được xem là quyền tự do ngôn luận của mỗi người, bởi đây là cách thể hiện quan điểm, thái độ, ý kiến của họ về các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, nếu các cá nhân lạm dụng các hội, nhóm này để làm nhục, vu khống người khác, khiến họ bị ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sức khỏe và tinh thần thì sẽ vượt quá giới hạn và vi phạm pháp luật.

(1) Xử phạt hành chính hành vi lập hội anti người khác nhằm tung tin bịa đặt, vu khống

Tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Do đó, hành vi lạm dụng các hội, nhóm anti để làm nhục, vu khống người khác, khiến họ bị ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sức khỏe và tinh thần thì bị xử hành chính: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu mức độ nghiệm trọng hơn, có thể bị khởi tố vụ án hình sự.

(2) Truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân lập, sử dụng hội anti bịa đặt hoặc vu khống người khác

Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2017, sửa đổi 2017 về khung hình phạt tội vu khống như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Vì động cơ đê hèn;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2017, sửa đổi 2017. Theo đó, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, việc lập hội, nhóm để bày tỏ quan điểm là quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, lạm dụng các hội nhóm để vu khống, làm nhục người khác sẽ bị xử phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, tội làm nhục người khác với các hình phạt: phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
6049

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]