29/03/2024 15:31

Ai sẽ là người bồi thường thiệt hại khi tiền gửi ngân hàng bị mất?

Ai sẽ là người bồi thường thiệt hại khi tiền gửi ngân hàng bị mất?

Vài ngày qua tôi thấy báo chí đưa tiện về việc khách mất hơn 300 tỷ khi gửi tiền ở Ngân hàng MSB. Tôi thắc mắc rằng khi khách hàng bị mất tiền gửi thì ai sẽ là người bồi thường cho khách hàng? (Anh Minh - Đồng Nai)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau: 

1. Ai sẽ là người bồi thường thiệt hại khi tiền gửi ngân hàng bị mất?

Khi tiền gửi của khách hàng bị mất, việc xác định ngân hàng có phải cũng là bị hại không sẽ phụ thuộc vào các tình tiết của vụ việc đó.

Căn cứ vào Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo đó, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng tức là giữa hai bên đã ký kết một hợp đồng gửi giữ tài sản. Bên giữ tài sản, tức là bên ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo quản tài sản đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, theo khoản 2, 3 Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng thì ngân hàng phải có một số trách nhiệm sau đây:

- Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi.

- Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Như vậy, khi khách hàng của mình vô cớ bị mất tiền, thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi để xảy ra sai sót.

Cán bộ hoặc nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách có thể là do sự yếu kém, sơ hở trong việc quản lý của chính ngân hàng đó, hoặc do một số bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài sản của người gửi. Trong trường hợp này, nếu ngân hàng được xác định là bị hại thì người chiếm đoạt sẽ phải bồi thường cho ngân hàng, còn ngân hàng sẽ phải bồi thường lại cho khách hàng bị mất tiền.

Ngoài ra, theo Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN thì chủ tài khoản chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

2. Bản án về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản khi ngân hàng làm mất tiền của khách hàng

Sau đây là bản án về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản, buộc ngân hàng trả lại tiền gửi tiết kiệm cho khách, đã được xét xử thực tế, chị có thể tham khảo qua:

Bản án 207/2022/DS-PT ngày 27/09/2022 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

- Trích dẫn nội dung: Ông Lê Bá S và bà Hoàng Thị H1 quen biết nhau; Bà H1 tự giới thiệu là quen biết với một số người làm việc tại Ngân hàng T - Chi nhánh B, nếu ông có tiền gửi tiết kiệm, thì đưa cho bà H1 gửi giúp vào Ngân hàng và mang sổ gửi tiết kiệm về cho ông. Do tin tưởng, nên từ năm 2011 đến ngày 16/01/2014, ông đưa tiền cho bà H1 06 lần với tổng số tiền 300.000.000đ để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng; Mỗi lần ông đưa tiền, bà H1 đều yêu cầu ông ký tên vào góc bên trái 02 tờ giấy trắng, để bà H1 làm thủ tục gửi tiền vào Ngân hàng. Tháng 10/2015, ông đến Ngân hàng T tại chi nhánh B, để rút khoản tiền đã gửi tiết kiệm, thì Ngân hàng cho rằng ông đã rút hết 300.000.000đ gửi tiết kiệm vào ngày 17/01/2014; thực tế ông chưa lần nào đến Ngân hàng để rút tiền. …

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả giám định, thì nội dung bị che phủ tại phần chữ viết Lê Bá S, trên phiếu yêu cầu giao dịch tiết kiệm ngày 17/01/2014, là chữ viết có nội dung "Hoàng Thi"; Chữ ký và chữ viết họ tên Lê Bá S, trên phiếu chi, ngày 17/01/2014, được ký và viết trước khi in nội dung văn bản.

- Kết quả xét xử: Buộc Ngân hàng T, phải trả cho ông Lê Bá S 300.000.000đ tiền gửi tiết kiệm và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 189.625.000đ, tổng cộng 489.625.000đ.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
4927

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]