20/12/2023 17:40

Ai được sử dụng thẻ tín dụng? Có mấy loại lãi suất thẻ tín dụng?

Ai được sử dụng thẻ tín dụng? Có mấy loại lãi suất thẻ tín dụng?

Tôi muốn hỏi ai được sử dụng thẻ tín dụng? Có mấy loại lãi suất thẻ tín dụng?_Quốc Tuấn(Hà Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ai được sử dụng thẻ tín dụng?

Theo Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì quy định đối tượng được sử dụng thẻ như sau:

Đối với chủ thẻ chính là cá nhân

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.(Theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN)

Đối với chủ thẻ chính là tổ chức

- Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh. Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN.(Theo Khoản 8 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN)

Đối với thẻ phụ

Chủ thẻ phụ được sử dụng thẻ theo chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính nhưng chỉ trong phạm vi quy định sau đây:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; (Theo Khoản 5 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN)

- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.(Theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN)

Lưu ý: Trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.(Theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN)

Như vậy, theo quy định thì có 05 đối tượng được sử dụng thẻ tín dụng bao gồm:

- Người từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

- Người từ 15-18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng được sử dụng các loại thẻ này.

- Người từ 6-15 tuổi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.

- Tổ chức có đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ, tổ chức là pháp nhân được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

- Người nước ngoài phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên thì mới được sử dụng thẻ tín dụng.

2. Có mấy loại lãi suất thẻ tín dụng?

Theo Điểm g Khoản 1 Điều 13 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định như sau:

“...

g. Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng;

...”

Đồng thời, tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định như sau:

“...

b. Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phải có quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, hạn mức, điều kiện, thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay, phí phạt khoản nợ quá hạn, mục đích vay, quy trình thẩm định và quyết định cấp tín dụng qua thẻ theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng, các biện pháp áp dụng thu hồi nợ để đảm bảo trách nhiệm các bộ phận tại TCPHT trong quá trình thu hồi nợ;

...”

Như vậy, theo quy định trên thì lãi suất thẻ tín dụng sẽ là sự thỏa thuận giữa TCPHT và khách hàng gồm lãi suất cho vay, lãi suất nội bộ và lãi suất phạt nợ quá hạn... Do đó, lãi suất thẻ tín dụng không phải là mức cố định đối với tất cả TCPHT nên mỗi TCPHT sẽ có mức lãi suất thẻ tín dụng riêng đối với khách hàng của mình.

Theo đó, dựa trên các thông tin về mức lãi suất thẻ tín dụng của các TCPHT(còn gọi là Ngân hàng hay Tổ chức tín dụng) hiện nay thì lãi suất thẻ tín dụng được chia thành 04 loại:

(1) Lãi suất khi rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng tại cây ATM

- Khi sử dụng tính năng rút tiền mặt tại các cây ATM, khách hàng sẽ chịu một khoản phí áp trên số tiền đã rút, dao động từ 20% – 40%/năm tùy theo quy định của từng ngân hàng.

- Cách tính tiền lãi khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng:

Tiền lãi = Số tiền rút x Lãi suất/365 x Số ngày rút tính từ thời điểm rút

(2) Lãi suất khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng

- Khi mua trả góp qua thẻ tín dụng, lãi suất sẽ được tính ngay tại thời điểm mua, cộng với giá gốc của sản phẩm.

- Số tiền này sẽ được chia đều cho số tháng trong kỳ hạn trả góp mà chủ thẻ chọn như: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng hay 24 tháng.

- Cách tính lãi suất thẻ tín dụng cơ bản khi mua hàng trả góp như sau:

Tiền góp mỗi tháng = (Tổng số tiền góp/Kỳ hạn trả góp) + (Tổng số tiền góp x Lãi suất)

(3) Lãi suất khi chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn

- Dư nợ tối thiểu là khoản tiền tối thiểu mà khách hàng cần chi trả khi đến hạn thanh toán tín dụng. Thông thường, số dư nợ tối thiểu sẽ bằng khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê vừa qua.

- Cách tính lãi thẻ tín dụng khi chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu như sau:

Tiền lãi = Dư nợ x Lãi suất/365 x Số ngày vay

(4) Lãi suất khi không thanh toán dư nợ đầy đủ và đúng hạn

- Trong trường hợp không thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 VND, tuỳ theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, cụ thể số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.

- Cách tính lãi suất khi không thanh toán đầy đủ và đúng hạn là:

Tiền lãi = Dư nợ x Lãi suất/365 x Số ngày vay

Như vậy, Thẻ tín dụng có nhiều loại lãi suất khác nhau tùy theo mục đích sử dụng như: lãi suất rút tiền mặt, lãi suất mua trả góp, lãi suất khi chỉ trả nợ tối thiểu, lãi suất chậm trả nợ...Do đó, anh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định sử dụng thẻ tín dụng khi chi tiêu.

Hứa Lê Huy
915

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]