19/08/2023 14:44

Ai có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ?

Ai có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ?

Tôi muốn hỏi ai có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ? Trình tự ký kết quy định thế nào?_Bảo Bình(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thỏa thuận quốc tế là gì? Ai có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ?

* Thỏa thuận quốc tế là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 thì thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

* Ai có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ?

Theo Điều 8 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:

- Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.

Lưu ý:

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trên cơ sở văn bản đồng ý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký. (Theo Điều 10 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 về cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ)

- Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.(Theo Điều 11 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 về rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết)

Như vậy, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ là người có  thẩm quyền quyết định việc ký kết các thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế trên cơ sở văn bản đồng ý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trực tiếp ký. Đồng thời trước khi ký kết, các bộ ngành phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng văn bản để đảm bảo tính chính xác, thống nhất về nội dung và hình thức.

2. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ

Theo Điều 9 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

- Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 Luật thỏa thuận quốc tế 2020.

-Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.

-Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.

Như vậy:

- Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, các bộ, ngành có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đến nội dung thỏa thuận.

- Các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

- Sau khi tiếp thu các ý kiến, các bộ, ngành sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ký kết. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định và trực tiếp ký kết hoặc ủy quyền cho người khác ký kết thỏa thuận quốc tế.

- Sau khi ký kết xong, các bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo và gửi bản sao thỏa thuận tới các cơ quan liên quan trong thời hạn thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.

Quy trình này nhằm đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động ký kết thỏa thuận quốc tế của Việt Nam.

Hứa Lê Huy
741

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn