01/11/2019 07:46

Ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên văn bản công chứng vô hiệu?

Ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên văn bản công chứng vô hiệu?

Việc công chứng có vai trò quan trọng trong các hợp đồng, giao dịch, là cơ sở để xác định xem hợp đồng hay giao dịch đó có giá trị pháp lý hay không. Đặc biệt là trong việc phân chia di sản, là cơ sở để làm căn cứ cho việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Tuy nhiên, có văn bản đã được công chứng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của những người liên quan. Vậy ai là người có quyền yêu cầu tuyên văn bản công chứng vô hiệu ?

Điển hình tại Bản án 01/2018/DS-ST ngày 14/08/2018, của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Giữa nguyên đơn Ông Lê Duy V – Công chứng viên Văn phòng Công chứng H với bị đơn bà Lê Thị B. Cụ thể:

" Ngày 21/4/2017, Văn phòng Công chứng H tiếp nhận hồ sơ phân chia di sản thừa kế của bà Lê Thị B. Ngày 11/5/2017, Văn phòng Công chứng H đã chứng nhận văn bản phân chia di sản đối với bà Lê Thị B.

Trong hồ sơ đề nghị phân chia di sản mà bà B cung cấp cho Văn phòng Công chứng H có Bản khai quan hệ nhân thân của bà Lê Thị B đã được ông Hồ Văn C (Trưởng thôn H) và ông Bùi Khắc T (Chủ tịch UBND xã T) ký xác nhận ngày 21/4/2017, thì ông Hồ Văn H (chồng bà B) chết để lại di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất chỉ có bà Lê Thị B (vợ) và chị Hồ Thị H (con); còn cụ Hồ Văn M (bố đẻ) và cụ Phan Thị C (mẹ đẻ) đều đã chết.

Tuy nhiên, Bản khai quan hệ nhân thân của bà Lê Thị B là không đúng sự thật bởi trong nội dung của bản khai quan hệ nhân thân thì cụ Hồ Văn M (bố đẻ của ông Hồ Văn H) đã chết, nhưng thực tế cụ Hồ Văn M vẫn đang còn sống. Mặt khác qua tìm hiểu thì được biết, ông Hồ Văn H và bà Lê Thị B có người con trai là Hồ Văn H2 (đã chết), anh Hồ Văn H2 đã có vợ là Bùi Thị H1 và có 01 người con trai là Hồ Văn Quốc A (sinh năm 2012).

Sau khi phát hiện có sai sót như trên, Văn phòng Công chứng H cùng với UBND xã T đã chủ động gặp gỡ, trao đổi, giải thích và yêu cầu bà B cùng những người có liên quan đến làm thủ tục hủy bỏ Văn bản phân chia di sản thừa kế, nhưng bà B và những người liên quan không hợp tác nên Công chứng viên Lê Duy V đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia tuyên vô hiệu đối với Văn bản phân chia di sản thừa kế".

Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã căn cứ vào Điều 52 của Luật công chứng năm 2014, Điều 127 Bộ luật dân sự 2015, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Duy V, tuyên bố Văn bản phân chia di sản thừa kế vô hiệu.

Đối chiếu với quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 52 của Luật công chứng năm 2014 như sau:

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Điều 52. Người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Có thể thấy rằng, bản khai quan hệ nhân thân nói trên đã không khai người được thừa kế di sản của ông Hồ Văn H là cụ Hồ Văn M và người thừa kế thế vị của anh Hồ Văn H2 (đã chết). Do đó Văn bản phân chia di sản thừa kế mà Văn phòng Công chứng H lập ngày 11/5/2017 đã bỏ sót 02 người.

Văn phòng công chứng đã yêu cầu bà B cùng những người có liên quan đến làm thủ tục hủy bỏ Văn bản phân chia di sản thừa kế, nhưng bà B và những người liên quan không hợp tác nên Công chứng viên đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu đối với Văn bản phân chia di sản thừa kế là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định tại Điều 52 Luật Công chứng 2014.

Như vậy, ngoài người yêu cầu công chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Công chứng viên, người làm chứng, người phiên dịch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Thu Linh
5184

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn